Triều Tiên thử vũ khí chiến thuật mới

Nguy cơ phá vỡ đàm phán Mỹ – Triều

19/04/2019 | 08:52 GMT+7

Trong khi tiến trình đàm phán Mỹ - Triều lần thứ 3 đang hứa hẹn diễn ra thì mới đây Bình Nhưỡng lại cho thử nghiệm một loại vũ khí chiến thuật trang bị kỹ thuật dẫn đường làm cho nhiều người quan ngại.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát một vụ thử vũ khí. Ảnh: THEGUARDIAN

Đích thân Chủ tịch Kim Jong-un đã giám sát vụ thử nghiệm loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới, “có hệ thống bay dẫn đường đặc biệt” và “mang theo đầu đạn mạnh mẽ” này. Mặc dù không mô tả cụ thể loại vũ khí này, song từ “chiến thuật” ám chỉ một loại vũ khí tầm ngắn, trái ngược với những tên lửa đạn đạo tầm xa vốn bị Mỹ coi là một mối đe dọa. Ông Kim đánh giá vụ thử “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của đất nước.

Trước đó, hồi tháng 11-2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng giám sát vụ thử một loại vũ khí chiến lược không xác định mà truyền thông trong nước miêu tả như “bức tường thép bảo vệ Triều Tiên” và được giới chuyên môn đánh giá là sáng kiến chuyển đổi từ sức mạnh quân sự thông thường sang vũ khí công nghệ cao.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ thông báo đã phát hiện một số hoạt động tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang tái chế những nguyên liệu phóng xạ để làm nguyên liệu chế tạo bom. Tuy nhiên, thông tin này chưa được phía Bình Nhưỡng xác nhận.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ Chỉ huy Phương Bắc và Bộ Chỉ huy chiến lược của nước này không phát hiện vụ phóng tên lửa nào trên lãnh thổ Triều Tiên. Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho hay quân đội nước này nhận định nhiều khả năng đây là một vũ thử pháo tầm xa hoặc hệ thống rốc-két phóng loạt.

Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vấn đề thống nhất, đối ngoại và an ninh cho biết, vẫn lạc quan về các cuộc đàm phán hạt nhân bất chấp sự bế tắc hiện tại. Vị cố vấn này nhận định: “Có thể khi ông Trump đến thăm Nhật Bản vào tháng 5 và tháng 6 tới, ông ấy cũng sẽ đến thăm Hàn Quốc, và nếu đúng như vậy, tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ có thể diễn ra”. Tuy nhiên, ông Moon Chung-in không đề cập chi tiết về khả năng này.

Trong khi đó, những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên đồn đoán Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 sắp diễn ra. Dự kiến cuộc gặp này sẽ tiến hành tại Trung Quốc hay Nga.

Mới đây, Đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ Stephen Biegun đang trên đường bay tới Matxcơva trong bối cảnh dư luận thế giới rộ lên thông tin về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên trong tuần tới. Chuyến đi này được cho là Washington tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng lần thứ 3.

Trước đó, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên gần như bị “đóng băng” sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội không đi đến thỏa thuận và không có tuyên bố chung do khác biệt về vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Nga nhiều lần ủng hộ lời kêu gọi của Triều Tiên về dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa, song phía chính quyền Tổng thống Trump lại muốn phía Bình Nhưỡng nhượng bộ, yêu cầu dỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon trước.

Những diễn biến trên cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ mượn cớ Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân để trì hoãn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được thế giới mong đợi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>