Nguy cơ trẻ thất học tăng cao từ làn sóng di cư

14/09/2023 | 10:15 GMT+7

Hệ lụy của di cư trái phép vào châu Âu không chỉ gây khó khăn người xin nhập cư, quốc gia tiếp nhận mà còn báo động về tình trạng trẻ thất học.

Người di cư xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Đảo Lesbos (Hy Lạp). Ảnh: AFP

Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) vừa công bố số liệu chính thức cho thấy, số lượng người di cư nộp đơn xin tị nạn tại khu vực này trong nửa đầu năm nay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo EUAA, trong 6 tháng đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) cùng các quốc gia liên quan đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn.

Dự báo trong năm nay, số lượng người xin tị nạn tại EU có thể lên tới 1 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 2015 đến nay, khi EU chứng kiến làn sóng người tị nạn, chủ yếu là công dân Syria rời khỏi đất nước vì xung đột tại quê nhà.

Theo thống kê, trong năm 2015, EU đã tiếp nhận 1,35 triệu đơn xin tị nạn. Một năm sau, con số đó là 1,25 triệu đơn. Năm 2017, số lượng người nộp đơn đã giảm sau khi EU thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế hoạt động vượt biên trái phép. Con số này thậm chí giảm đáng kể trong giai đoạn đỉnh của đại dịch Covid-19 là năm 2020 và 2021, khi các nước áp đặt hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, số đơn xin tị nạn đang tăng trở lại. Riêng trong năm ngoái, số đơn đã tăng 53%, gây áp lực đối với nhiều quốc gia EU. Trong nhiều trường hợp, nơi ở và nguồn lực hỗ trợ trở nên hạn chế vì một số nước trong khối này đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn từ Ukraine.

Cũng theo EUAA, người Syria và người Afghanistan chiếm gần 25% số lượng đơn xin tị nạn tại EU kể từ đầu năm đến nay. Kế đến là người di cư tới từ Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Bangladesh và Pakistan.

EUAA cho hay, Đức, quốc gia tiếp nhận hầu hết người tị nạn Syria trong năm 2015-2016, tiếp tục là điểm đến hàng đầu tại EU mà người xin tị nạn lựa chọn. Những tháng đầu năm 2023, nước này tiếp nhận tới 62% trong tổng số đơn xin tị nạn của người Syria tại EU. Trong khi đó, Tây Ban Nha là điểm đến chính của những người Venezuela xin tị nạn.

Nhìn chung, 41% số người nộp đơn được cấp quy chế tị nạn hoặc một hình thức bảo vệ khác cho phép họ ở lại. Người Syria và người Afghanistan có nhiều khả năng được cấp quy chế tị nạn hơn do tình hình xung đột trong nước, trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bị từ chối cao hơn.

Việc làn sóng người tị nạn vào EU tăng nhanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng báo động như: thiếu chỗ ở, việc làm, đói nghèo, mất an ninh trật tự và thất học… Vấn đề đáng quan ngại hiện nay số lượng trẻ không được đến trường tỷ lệ thuận với người tị nạn tăng nhanh. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, hiện có tới hơn 7 triệu/14,8 triệu trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường trên thế giới không được học hành chính quy.

Ông William Spindler, người phát ngôn của UNHCR cho biết, tính đến cuối năm 2022, số người tị nạn trong độ tuổi đi học đã tăng gần 50% so với con số 10 triệu người một năm trước đó. Tỷ lệ tuyển sinh giáo dục ở nhóm người tị nạn thay đổi tùy theo cấp học với 38% ở bậc mầm non, 65% ở bậc tiểu học, 41% ở bậc trung học và chỉ 6% ở bậc đại học.

Đại diện UNHCR cũng cho biết, với 1/5 số người tị nạn sống ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới và hơn 3/4 sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng cho những người nghèo nhất.

Hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường không chỉ ảnh hưởng đến dân trí mà còn tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là tín hiệu xấu về nguồn nhân lực cho tương lai nếu như tình trạng trẻ thất học không được giải quyết căn cơ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>