Nội các Anh tiếp tục chia rẽ về vấn đề Brexit

05/10/2018 | 08:04 GMT+7

Quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, khiến chính phủ nước này mất 500 triệu bảng (khoảng 650 triệu USD)/tuần. Kết quả này vừa được Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) công bố ngày 30-9.

Thủ tướng Anh Theresa May (thứ 3 từ trái sang) trong phiên họp nội các ở Gateshead, Đông Bắc Anh ngày 23-7.  Ảnh: AFP/TTXVN

CER cho biết so với trước khi bỏ phiếu tán đồng Brexit (năm 2016), nền kinh tế Anh hiện nay đã giảm hơn khoảng 2,5%. Cụ thể, tài chính công của Anh đã bị ảnh hưởng lớn ở mức 26 tỉ bảng/năm, tương đương 500 triệu bảng/tuần và con số này đang tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong thời gian ngắn Anh đã xóa sạch mọi khoản tiết kiệm trong tương lai được dành để thanh toán cho khối này.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit cho rằng Anh sẽ có lợi về lâu dài do có thể đặt ra các quy tắc của riêng mình và giành lấy những thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng như Ấn Độ và Trung Quốc. Thực tế thì lập luận này khá khập khiễng. Bởi lẽ nếu Anh đặt ra bao nhiêu quy tắc riêng nhằm vào đối tác thì cũng nhận lấy bấy nhiêu quy tắc tương ứng theo quy luật của kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, việc Brexit sẽ còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như chi phí rời EU, ưu đãi về thuế quan khi giao thương kinh tế, qua lại của người dân các nước trong khối EU với Anh và cả vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland… mà phần thiệt luôn nghiêng về phía Anh. Từ đó đã tạo nên làn sóng phản ứng trái chiều về thỏa thuận Brexit và đã dẫn đến những sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ nước này.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, cho đến nay Anh và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận mang tính căn cơ quyết định do bất đồng quan điểm trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland - nước thành viên EU và vấn đề thương mại giữa hai bên.

Ông Dominic Raab, Bộ trưởng Brexit của Anh, cảnh báo, nếu EU tìm cách giữ Anh ở lại liên minh hải quan hay Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), nước này sẽ Brexit mà không có thỏa thuận. Ông Raab cũng kêu gọi ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Anh Theresa May để Anh có thể có được kết quả tốt nhất trong các cuộc đàm phán Brexit, đồng thời cũng phải chuẩn bị cho khả năng Brexit không có thỏa thuận.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Giáo dục và hiện là Chủ tịch Ủy ban Kho bạc Anh Nicky Morgan cho rằng Quốc hội Anh sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit theo mô hình của Na Uy với một liên minh hải quan. Hiện có 3 nước chọn mô hình EEA là Na Uy, Liechtestein và Iceland. Ba nước này là một phần của thị trường chung EU, họ phải áp dụng tất cả các quy tắc cũng như nguyên tắc của EEA, nhưng lại không có bất kỳ tiếng nói nào trong quá trình xây dựng luật pháp cũng như các quy tắc. Các nước này đều có đóng góp cho ngân sách EU.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, bà chuẩn bị đưa ra đề nghị mới cho EU nhằm phá vỡ sự bế tắc trong thương lượng về việc Brexit. Trong khi bà May đang nỗ lực kêu gọi đảng Bảo thủ đoàn kết và ủng hộ kế hoạch Brexit của bà thì các đảng phái đối lập và cả đảng Bảo thủ lại có phản ứng trái chiều với quyết tâm chống lại kế hoạch Chequers. Ông Steve Baker, cựu Thứ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, cảnh báo Thủ tướng Theresa May đang đứng trước “một vấn đề lớn” khi khoảng 80 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ sẵn sàng bỏ phiếu chống lại kế hoạch Chequers. Nếu bà May không thể dựa vào sự ủng hộ trong đảng để thúc đẩy Sách Trắng Brexit trong Quốc hội, thay vào đó tìm kiếm sự ủng hộ từ Công đảng, điều này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng về tình trạng chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ.

Cựu quan chức này cho rằng, thay vì kế hoạch Chequers, Thủ tướng Anh nên theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với những điều khoản được Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đưa ra hồi tháng 3.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>