“Sóng ngầm” trên Bán đảo Triều Tiên

17/08/2023 | 17:54 GMT+7

Gia tăng căng thẳng giữa Mỹ - Triều cho thấy sóng gió đang chực chờ bùng phát trở lại trên Bán đảo Triều Tiên.

Ảnh: KCNA

Theo các nguồn tin quân sự, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận mang tên Lá chắn Tự do Ulchi vào cuối tháng 8. Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 21 đến ngày 24-8 tới, bao gồm một loạt hoạt động diễn tập các tình huống giả định cụ thể, theo mô hình chiến tranh toàn diện.

Đây là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch và được Mỹ và Hàn Quốc tổ chức hàng năm để tăng cường khả năng phối hợp giữa hai bên. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn luôn được xem là hành động nhằm vào nước này chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp nổ ra. Do vậy, Bình Nhưỡng luôn phản đối các hành động này thông qua các biện pháp ứng phó riêng, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa.

Đáng quan ngại hơn là lần này phía Triều Tiên tỏ ra kiên quyết hơn và kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã kêu gọi nhanh chóng cải thiện năng lực sản xuất tên lửa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tiền tuyến và các đơn vị tên lửa. Ông Kim cho rằng, quân đội Triều Tiên nên được trang bị một lực lượng quân sự áp đảo để đối phó với bất kỳ cuộc chiến tranh vào bất kỳ lúc nào.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam cảnh báo, thế giới đang bên bờ một cuộc xung đột hạt nhân. Theo RT, quan chức trên cho rằng, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng khi triển khai máy bay và một tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới khu vực.

Ông Kang Sun-nam cảnh báo: “Hiện giờ, câu hỏi không phải là liệu chiến tranh hạt nhân có xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên hay không, mà là ai sẽ khởi xướng và khi nào nó nổ ra”. Quan chức này nói thêm, chỉ riêng trong năm nay, Mỹ đã triển khai một lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực, gồm cả một tàu ngầm và máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân, một nhóm tàu sân bay.

Nhóm tàu sân bay tấn công 11 của Hải quân Mỹ, do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu, đã cập cảng quân sự Hàn Quốc hồi cuối tháng 3, ngay sau khi Bình Nhưỡng ra mắt đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ hơn, có thể gắn lên tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Cuối tháng 6, một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã tham gia tập trận chung với Hàn Quốc. Hai tuần sau, Mỹ cũng triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio - chiếc USS Kentucky tới Hàn Quốc. Tàu ngầm này được trang bị 20 tên lửa đạn đạo Trident II và có thể mang tổng số 80 đầu đạn hạt nhân.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, “Mỹ đã thực hiện chính sách thù địch chống Triều Tiên trong suốt 80 năm, can thiệp vào sự phát triển độc lập cùng lợi ích an ninh của Triều Tiên và đẩy tình hình ở Đông Bắc Á tới bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân”. Ông cho rằng, Washington phải từ bỏ cách tiếp cận đối đầu nếu thực sự muốn giải quyết khủng hoảng theo cách hòa bình.

Trong một động thái liên quan, trong quan hệ ngoại giao, Triều Tiên đã xích lại gần với Nga và Trung Quốc nhằm củng cố sức mạnh quân sự. Triều Tiên đã nhiều lần công khai ủng hộ Nga trong xung đột Nga - Ukraine, cũng như các tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên nhấn mạnh rằng “chính sách bá quyền và độc đoán” của Mỹ và các đồng minh phương Tây là nguyên nhân dẫn đến chiến sự bất chấp dự luận quốc tế lên án Nga.

Thời gian gần đây, Triều Tiên và Mỹ cùng lúng sâu hơn những bất đồng khi cả hai đều xem nhau là thù địch nên từ đó đã trực tiếp đối đầu bằng việc gia tăng sức mạnh quân sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.

Những động thái của các bên liên quan trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy, nguy cơ leo thang căng thẳng tại đây là rất cao, tiềm ẩn những cơn “sóng ngầm” có thể làm Bán đảo Triều Tiên dậy sóng bất cứ lúc nào. Đây là tín hiệu xấu báo hiệu cho một cuộc chiến ngoài mong đợi sẽ diễn ra trong tương lai gần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>