Thế giới sẽ trải qua sự quay trở lại của El Nino

08/05/2023 | 18:00 GMT+7

Nhiệt độ trung bình trên thế giới có thể chạm mức kỷ lục vào năm 2023 hoặc 2024 do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino.

Nhiều khu vực ở châu Á trải qua đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4. Ảnh: Shutterstock

El Nino có thể sẽ mang lại một số tác động tích cực, như giúp vùng Sừng châu Phi giải tỏa “cơn khát” vì hạn hán kéo dài và giảm thiểu một số tác động khác có liên quan hiện tượng La Nina.

Dù vậy, theo Tổ chức Khí tượng thế giới, El Nino cũng có thể dẫn tới những hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan, nên các nước cần chuẩn bị các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân.

Các mô hình khí hậu cho thấy, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, thường giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu, thế giới sẽ trải qua sự quay trở lại của El Nino, hiện tượng nóng hơn vào cuối năm nay. Hiện tượng El Nino có thể làm trầm trọng hơn những tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải đối mặt, bao gồm những đợt nóng và hạn hán kéo dài.

Bà Carlo Buontempo, Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết: “Ở châu Âu, năm 2022 là năm nóng thứ hai được ghi nhận, là mùa hè nóng nhất được ghi nhận. Chúng ta đã chứng kiến những đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán diện rộng trên phần lớn lục địa, chúng ta có lượng khí thải carbon cao nhất từ các vụ cháy rừng ở một số quốc gia. Chúng ta cũng chứng kiến lượng băng tan kỷ lục từ sông băng ở dãy núi Alps ở châu Âu. Vì vậy, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai, nó là vấn đề của hiện tại”.

Tám năm qua là những năm nóng nhất từng được ghi nhận, phản ánh xu hướng nhiệt độ tăng cao do tình trạng phát thải khí nhà kính. Trong đó, năm 2016 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, trùng với thời điểm hiện tượng El Nino diễn ra mạnh mẽ.

Theo bà Carlo Buontempo, Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu: “Nếu xuất hiện El Nino, có nhiều khả năng năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016”.

Trong những ngày qua, trên khắp châu Á đã chứng kiến tháng nóng kỷ lục.

Tháng 4, nhiệt độ lên tới 50oC ở các vùng của Thái Lan. Nhiệt độ ở thủ đô Thái Lan lên tới 42oC hôm 22-4 và chỉ số nhiệt (nhiệt độ cảm nhận thực khi kết hợp với độ ẩm) lên tới 54oC.

Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người đã tử vong vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi nhiệt độ lên gần 45oC. Chính quyền các bang ở nước này đã phải đóng cửa trường học và các bộ trưởng kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi

Tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng vào năm 2022, hơn 100 trạm dự báo thời tiết vào tháng 4 đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất.

Luang Prabang ở Lào đạt mức cao kỷ lục 42,7oC và nhiệt độ tăng lên khoảng 45oC ở Myanmar.

Bangladesh đã có báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới sức nóng chói chang ở thủ đô của nước này.

Cuối tháng qua, 4 trạm thời tiết ở Myanmar đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục của tháng, trong đó Theinzayet, ở bang Mon phía Đông, đạt mức cao nhất, ở mức 43oC.

Ở Philippines, đối phó với nắng nóng là một thách thức đặc biệt vì lịch học thay đổi trong thời kỳ đại dịch, nghĩa là học sinh đang trải qua những tháng nóng nhất của năm trong lớp học. Hàng trăm trường học đang chuyển sang hình thức đào tạo từ xa để học sinh không đổ bệnh, trong khi một số giáo viên kêu gọi rút ngắn thời gian giảng dạy và quy mô lớp học nhỏ hơn để đối phó với tình hình.

Theo các nhà nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất - khí quyển, Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, “tháng 4 nóng nhất ở châu Á”. nhưng sức nóng chưa giảm và trong thời gian tới còn dữ dội hơn do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại.

Mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng của họ xuống 0, song lượng khí thải CO2 toàn cầu năm 2022 vừa qua vẫn tiếp tục tăng.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>