Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm dịch ở Trung Đông

22/04/2020 | 08:17 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua Iran về số cas nhiễm Covid-19 đi cùng với bất đồng các phe phái đối lập đã làm cho quốc gia này rơi vào tình thế khó khăn. 

Người dân xếp hàng đi mua thực phẩm ngay sau khi lệnh giới nghiêm được ban bố hôm 10-4. Ảnh: GETTY

Theo đó, đến ngày 11-3, Thổ Nhĩ Kỳ mới phát hiện cas đầu tiên mắc vi-rút SARS-CoV-2, nhưng chỉ hơn một tháng sau đó nước này đã có hơn 82.000 cas mắc dịch Covid-19. Đây là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất ở Trung Đông hiện nay. Đáng quan ngại là chỉ trong ngày 19-4, Thổ Nhĩ kỳ đã ghi nhận thêm 3.783 cas mắc Covid-19, trong số này có hơn 121 cas đã tử vong. Nâng số cas tử vong do dịch bệnh gây ra hơn 2.000 người. Tuy nhiên, đỉnh dịch dự báo sẽ bùng phát trong hai tuần tới và số cas mắc Covid-19 sẽ lên tới cực đại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sở dĩ dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở Thổ Nhĩ Kỳ là do thời gian đầu quốc gia này không hề áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hay yêu cầu tất cả người dân ở nhà. Mặt khác, quốc gia này lại có nhiều trại lao động nhập cư cũng là “điểm nóng” tập trung để dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh. Lao động nhập cư vốn là nguồn sống cho rất nhiều hoạt động kinh tế nơi đây, từ xây dựng, vệ sinh môi trường, cho tới dịch vụ. Thế nhưng, tại các trại lao động, điều kiện sinh hoạt chật chội, chung đụng, công nhân phải ở trên chục người/phòng là chuyện thường nên việc giãn cách xã hội là điều không thể thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp để số cas nhiễm dịch Covid-19 tăng nhanh là do quốc gia này xét nghiệm dịch bệnh trên diện rộng.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế đi lại tại 31 thành phố, cấm tụ họp công cộng, đóng cửa các trường học và tất cả các chuyến bay quốc tế đều bị dừng. Những người dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi không được phép rời khỏi nhà trong một thời gian đi kèm là lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi đông người, cửa hàng và nơi làm việc. Chính phủ cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm hai ngày cuối tuần và chỉ có các quan chức nhà nước, nhà báo và nhân viên hậu cần được miễn trừ lệnh cấm.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều trị và cấp thuốc cho bệnh nhân mắc Covid-19, cũng như các thiết bị bảo vệ và xét nghiệm, miễn phí. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện năng lực y tế của nước này vẫn đáp ứng được công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các trường dạy nghề của Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul được chuyển đổi thành các xưởng sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ, găng tay y tế phục vụ mục đích sử dụng trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường sản xuất các bình xịt khử khuẩn, nước rửa tay và các thiết bị làm sạch thiết yếu khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phát triển các chương trình sản xuất và phân phối thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) không chỉ trong nước, mà còn gửi các mặt hàng này tới hơn 30 nước trên thế giới, trong đó có cả Anh, Tây Ban Nha và Italia...

Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng hơn 2.000 cas mắc Covid-19 mỗi ngày như thời gian qua, sự quá tải của hệ thống y tế khiến nhiều người lo lắng. Mặt khác, tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây phe đối lập cáo buộc chính quyền ngăn cản các hoạt động cứu trợ xã hội của họ, trong khi giới chức nước này lại cho rằng phe đối lập đang lợi dụng tình hình để kích động chống đối. Tình trạng thiếu sự đồng lòng, đoàn kết sẽ làm cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 tại quốc gia này thêm phần phức tạp.

Một yếu tố tác động xấu đến tình hình lây lan dịch bệnh tại đây chính là các khu tập trung tỉnh Idlib (Syria) giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây hiện có khoảng 1 triệu người dân đã mất nhà cửa do xung đột trong những tháng gần đây ở Syria lánh nạn. Các bác sĩ lo sợ điều tồi tệ nhất nếu dịch Covid-19 tấn công là các bệnh viện đã bị hư hỏng và các trại tị nạn quá tải sau 9 năm chiến tranh thì nguy cơ lây lan sang Thổ Nhĩ Kỳ là không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, hiện tại Ankara có rất nhiều quân đồn trú tại đây. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ hạn chế tối đa việc di chuyển quân tại các khu vực tuần tra ở Syria nhằm đối phó với dịch Covid-19 bùng phát khi tỷ lệ tử vong và lây nhiễm bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng nước này còn cử bác sĩ đến các khu vực tuần tra để tổ chức huấn luyện liên quan đến khả năng phòng, chống dịch bệnh. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang giám sát các khu vực biên giới Syria tới phía Đông Idlib.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tình hình phức tạp hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ khó ngăn chặn được dịch bệnh lây lan trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, trong nước, dịch bệnh bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng liên tục trong những tuần vừa qua. Đáng quan ngại là bệnh đã lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, nguy cơ lớn hơn là từ các trại tị nạn tập trung và lao động nhập cư ví như những “quả bom nổ chậm” đã hẹn giờ nếu xuất hiện dịch Covid-19.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>