Trung Quốc cần, nhưng Mỹ chưa vội ?

29/07/2019 | 17:56 GMT+7

Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại tại TP.Thượng Hải - Trung Quốc trong 2 ngày 30 và 31-7. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán trong cuộc gặp ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc gặp ở thủ đô Washington, Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS

Đáng chú ý, vòng đàm phán mới nhất này dự kiến diễn ra tại TP.Thượng Hải, thay vì thủ đô Bắc Kinh như các cuộc gặp trước đó. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm cải thiện tình hình bởi Thượng Hải là nơi chứng kiến “Thông cáo chung Thượng Hải 1972” - một cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung.

Cùng với địa điểm họp mới, sự hiện diện của Bộ trưởng Thương mại Trương Quân bên cạnh Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong phái đoàn nước chủ nhà cũng có thể tác động đến kết quả cuộc họp do ông Trương được xem là một nhân vật có lập trường cứng rắn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo Mỹ - Trung khó có thể nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc trong vòng đàm phán mới ngay cả khi hai phía muốn đạt được một thỏa thuận. Trong một bài bình luận mới đây, tờ The Global Times khẳng định quá trình đàm phán sẽ còn diễn ra trong thời gian dài, đồng thời cảnh báo hai phía có thể không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu Washington tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh.

Hai bên đã gặp nhau ở Washington D.C hồi tháng 5 nhưng không đạt kết quả nào sau khi Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ thỏa thuận bằng cách rút lại hầu hết các điều khoản đã nhất trí trước đó. Theo chủ nhân Nhà Trắng, ông “không vội” đạt thỏa thuận với Trung Quốc vì Mỹ “đang thu về hàng tỉ USD” tiền thuế từ hàng hóa của đối phương. Kể từ khi xung đột bùng nổ đến nay, Washington áp thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi Bắc Kinh áp thuế đáp trả lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Trước đó, Tổng thống Trump còn dọa sẽ đánh thuế lên thêm 325 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nếu quá trình đàm phán không có tiến triển.

Bên cạnh đó, trước thềm đàm phán sắp tới, Tổng thống Trump đang gây sức ép lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thay đổi cách định danh “nước đang phát triển” để những nền kinh tế phát triển như Trung Quốc không còn được hưởng ưu đãi đặc biệt. Trong hướng dẫn ký ngày 26-7, Tổng thống Trump chỉ đạo đại diện thương mại Mỹ đơn phương dừng đối xử với những nước như Trung Quốc như “quốc gia đang phát triển” nếu WTO không có động thái điều chỉnh trong 90 ngày. “WTO bị phá vỡ khi những quốc gia giàu nhất của thế giới tự nhận là “đang phát triển” để lách các quy định và được hưởng sự đối đãi đặc biệt. Không còn chuyện đó nữa”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Theo các nhà nghiên cứu, cuộc thương chiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động năm 2018 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Lần đầu tiên từ năm 2010, chỉ số tăng trưởng sản phẩm quốc nội của đất nước tỉ dân có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, thương chiến Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời cũng làm phức tạp nhiều vấn đề, khi tác động của nó đã đột nhiên phá vỡ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Bắc Kinh, nhằm giải quyết những vấn đề trong cấu trúc kinh tế. Bên cạnh sự bất ổn của thị trường chứng khoán, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng, căng thẳng thương mại sẽ khiến chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay giảm mạnh xuống dưới mức 6%. Đồng thời, các biện pháp chính sách nhằm giải quyết các vấn đề cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bi quan và triển vọng xấu gây ra ảnh hưởng quá mức đến việc hoạch định chính sách.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>