Ưu tiên giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Niger

21/08/2023 | 08:52 GMT+7

Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tái khẳng định quan điểm ưu tiên thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Niger, nhưng nhấn mạnh không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp tại nước này.

Phiên họp bất thường các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger, tại Abuja (Nigeria), ngày 10-8-2023. Ảnh: AFP

Ủy ban An ninh và Hòa bình ECOWAS cáo buộc chính quyền quân sự Niger tìm cách hoãn binh để củng cố chính quyền đảo chính khi phát đi tín hiệu về sự cởi mở trong đàm phán ngoại giao, nhấn mạnh rằng khối này sẽ khôi phục trật tự Hiến pháp cho Niger bằng mọi biện pháp có thể.

Trong cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp lần thứ 2 hôm 10-8 tại Nigeria, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã quyết định kích hoạt lực lượng thường trực của khối này nhằm sẵn sàng cho kịch bản can thiệp quân sự vào Niger. Cho đến nay, 3 quốc gia thành viên của khối là Côte d’Ivoire, Senegal va Benin đã cam kết cử lực lượng tham gia chiến dịch can thiệp. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên tuyên bố phản đối và không tham gia bất kỳ động thái quân sự nào vào Niger.

Tham mưu trưởng và chỉ huy quân đội cấp cao các nước Tây Phi (ECOWAS) ngày 17-8 cũng đã họp bàn, để chuẩn bị cho kế hoạch can dự quân sự vào Niger. Tuy nhiên, ngay trước cuộc họp, Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) của Liên minh châu Phi đã lên tiếng phản đối.

Chủ tịch ECOWAS - Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết, mọi hành động của ECOWAS để khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger đang được khối Cộng đồng Kinh tế Trung Phi ủng hộ.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao được truyền thông Pháp vừa đưa tin, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên minh châu Phi, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các quyết định của Khối, lại bác bỏ đề xuất của ECOWAS về việc tiến hành can thiệp quân sự. Nhiều quốc gia ở phía Nam và phía Bắc châu Phi phản đối bất kỳ hành động quân sự nào vào Niger, do lo ngại sự bất ổn. Một hành động can dự vào Niger cũng sẽ khiến chính ECOWAS chia rẽ, vì một số nước thành viên phản đối. Đặc biệt là 2 nước đang bị đình chỉ tư cách thành viên là Mali và Burrkina Faso - vốn tuyên bố sát cánh cùng chính quyền quân sự Niger hiện nay.

Khác với Pháp - ủng hộ ECOWAS toàn diện do những lợi ích chiến lược của nước này tại Niger, các tuyên bố của Nga và Mỹ vẫn cho rằng, khủng hoảng Niger cần được giải quyết thông qua ngoại giao. Tổng thống Nga Putin khẳng định, một giải pháp hòa bình sẽ giúp khu vực này ổn định hơn.

Trong khi, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện giải pháp ngoại giao và Niger là đối tác mà Mỹ không muốn đánh mất:

“ECOWAS đã rất rõ ràng và công khai rằng can thiệp quân sự nên là phương sách cuối cùng, điều mà chúng tôi đồng ý. Và chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và liên hệ chặt chẽ với ECOWAS và lãnh đạo của Khối về vấn đề này”, ông Patel nói.

Trước phản ứng của Nga và Mỹ, chính quyền quân sự Niger tuyên bố sẽ để mở mọi cánh cửa đàm phán với các bên. Điều này cũng được thể hiện một phần qua các chuyến thăm nước ngoài của các quan chức chính quyền quân sự Niger. Mới nhất là chuyến thăm Cộng hòa Chad của vị Thủ tướng mới được bổ nhiệm.

Trong khi đó, phía Liên Hiệp Quốc lo ngại sự an toàn của Tổng thống bị lật đổ, cũng như tình hình mất an ninh lương thực tại Niger đang trầm trọng hơn. Các quan chức kêu gọi miễn trừ nhân đạo với đối với một số lệnh trừng phạt đang được áp đặt lên quốc gia này sau cuộc đảo chính.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>