Venezuela lại biểu tình quy mô lớn

12/03/2020 | 17:55 GMT+7

Biểu tình rầm rộ với quy mô lớn do phe đối lập chủ mưu ở Venezuela đã làm cho quốc gia Nam Mỹ này vốn không bình yên lại rơi vào tình cảnh hỗn loạn. 

Phe đối lập do ông Guaido dẫn đầu biểu tình tại Venezuela.  Nguồn: Reuters

Theo đó, mới đây có khoảng 2.000 người ủng hộ phe đối lập đã tham gia cuộc biểu tình tuần hành từ quận Chacao ở phía Đông thủ đô Caracas, vốn được coi là thành trì của phe đối lập. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên mà ông Guaido kêu gọi kể từ sau khi kết thúc chuyến đi tới Mỹ, Canada và một số nước châu Âu cách đây 1 tháng.

Cùng tham gia cuộc tuần hành này còn có nhiều nghị sĩ Quốc hội thuộc phe đối lập ủng hộ ông Guaido. Mặc dù không thể tiến được vào trụ sở Quốc hội như dự định ban đầu nhưng ông Guaido tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ kêu gọi nhân dân xuống đường phản đối Chính phủ.

Để ngăn chặn đoàn biểu tình, lực lượng cảnh sát quốc gia Venezuela (PNB) đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông khi họ tìm cách vượt qua hàng rào cảnh sát để tiến vào khu vực trụ sở Quốc hội.

Trong một động thái liên quan, trước đó Chính phủ Venezuela đã bắt tạm giam 2 lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) gồm Alfredo Chirinos - Giám đốc phụ trách các hoạt động đặc biệt và Aryenis Torrealba - Giám đốc phụ trách hoạt động khai thác dầu thô, với cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ để phá hoại nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.

Lĩnh vực dầu khí của Venezuela đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ các biện pháp bao vây cấm vận và trừng phạt của Mỹ. Theo số liệu chính thức, sản lượng dầu khí của Venezuela trong tháng 12-2019 chỉ đạt 714.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của quốc gia được coi là có trữ lượng dầu khí lớn hàng đầu thế giới.

Thực tế, chính trường Venezuela rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi ông Nicolas Maduro nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 1-2019 và đỉnh điểm là việc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng “tổng thống lâm thời” với sự công nhận của hàng chục nước, trong đó có Mỹ.

Trước những diễn biến bất ổn về an ninh chính trị tại Venezuela, nhiều quốc gia đã có những phản ứng trái chiều. Mỹ tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế Venezuela với mục tiêu cô lập đối ngoại chống lại Chính phủ Venezuela của Tổng thống Nicolas Maduro để hỗ trợ nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.

Trong khi đó, Nga chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela, đồng thời lên tiếng ủng hộ nỗ lực đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập tại quốc gia này và xem đây là một giải pháp tốt nhất để ngăn chặn các cuộc bạo loạn hướng đến hòa bình.

Mới đây, Brazil đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao của mình tại Venezuela về nước. Đây được coi là một động thái hạ thấp quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Brazil cũng đang từ chối gia hạn cho các đặc phái viên của Tổng thống Nicolas Maduro, người không được Brazil và khoảng 50 quốc gia khác công nhận là Tổng thống hợp pháp của Venezuela tiếp tục hoạt động tại Brazil.

Canada cùng các đồng minh ở Tây bán cầu thì kêu gọi sự hỗ trợ của các nước để bình ổn tình hình tại Venezuela. Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne nhận định, con đường duy nhất để đưa dân chủ trở lại Venezuela và giúp quốc gia Nam Mỹ này vượt qua khủng hoảng là phải đảm bảo các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội tại đây được tiến hành một cách tự do, công bằng, minh bạch và toàn diện.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định sự hỗ trợ từ Nga có thể là cơ sở để ông Maduro quyết định thúc đẩy sản xuất dầu và khôi phục tăng trưởng kinh tế khi Venezuela rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nhiều năm nay và cuộc di cư ồ ạt của người dân nước này.

Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 6 triệu người Venezuela sẽ rời bỏ đất nước vào cuối năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế cùng hệ thống y tế, giáo dục suy yếu trầm trọng do khủng hoảng chính trị ngày một nghiêm trọng.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>