WHO kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu do Covid-19

08/05/2023 | 08:24 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5-5 tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu do đại dịch Covid-19 - được ban hành cách đây hơn 3 năm.

Các nhà nghiên cứu Mỹ khẳng định chỉ tiêm vắc-xin Covid-19 đơn giá cũng đủ đem đến khả năng bảo vệ cao chống lại bệnh nặng và tử vong. Ảnh: REUTERS

Trên thực tế, tuyên bố của WHO ngày 5-5 được cho là ít mang lại thay đổi vì nhiều quốc gia đã kết thúc tình trạng khẩn cấp liên quan tới Covid-19 và đã loại bỏ hầu hết hạn chế về sức khỏe cộng đồng - được thực hiện để kiểm soát vi-rút SARS-CoV-2.

Theo WHO, vi-rút SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục ở trạng thái đại dịch giống như vi-rút HIV. Trong khi đó, APA cho biết Mỹ sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp do Covid-19 vào ngày 11-5 tới.

Tiến sĩ K. Srinath Reddy, người đứng đầu Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, bình luận rằng quyết định kết thúc tình trạng khẩn cấp do Covid-19 của WHO là phù hợp bởi mức độ miễn dịch cao trên toàn cầu đối với Covid-19, nhờ tiêm chủng hoặc đã nhiễm vi-rút hoặc cả hai.

“Mức độ nguy hiểm không còn như trước nữa. Covid-19 đã đạt được mức độ cân bằng, một kiểu chung sống với vật chủ là con người”, ông Reddy cho biết.

Tuy nhiên, theo báo cáo dịch tễ  Covid-19 toàn cầu ngày 5-5, trong 28 ngày qua thế giới ghi nhận thêm gần 2,78 triệu ca mắc mới và 17.459 ca tử vong mới do Covid-19.

Trong các khu vực dịch tễ của WHO thì có khu vực châu Âu và Tây Thái Bình Dương (khu vực bao gồm Việt Nam) có số ca mắc mới cao nhất, lần lượt là hơn 888.000 và hơn 883.000 ca; tuy nhiên số tử vong khá chênh lệch là 6.234 và 1.234 ca.

Xét về mức độ tăng, giảm số ca mới thì có 3/6 khu vực dịch tễ báo cáo tăng là Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải, tăng lần lượt 15%, 454% và 8%; trong đó Tây Thái Bình Dương giảm sâu số ca tử vong 56%, còn Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải thì số ca tử vong tăng lần lượt 317% và 61% so với chu kỳ 28 ngày trước đó.

Ba khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải đều chứa một phần châu Á địa lý và chính các quốc gia châu Á địa lý là nguyên nhân khiến số ca tại 3 nơi này tăng mạnh.

Ba khu vực còn lại là châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đều giảm sâu cả số ca mắc mới và số ca tử vong. Số liệu từ châu Phi rất hạn chế, trong khi châu Âu và châu Mỹ tiếp tục đà sụt giảm sau làn sóng mùa xuân, được cho là thúc đẩy bởi biến chủng XBB.1.5.

Tại Tây Thái Bình Dương, có 37% số quốc gia báo cáo số ca mới tăng hơn 20%, trong đó cao nhất là Việt Nam, trong 28 ngày qua ghi nhận 32.546 ca mới, tăng 9.199% so với con số 350 ca của chu kỳ 28 ngày trước đó. Singapore tăng chỉ 179% nhưng số ca cao hơn là 98.318 ca, so với 35.283 ca của chu kỳ trước.

Xét về số ca thì cao nhất Tây Thái Bình Dương vẫn là Hàn Quốc và Nhật Bản, đã kết thúc chu kỳ hạ nhiệt và đang đón làn sóng mới. Hai nước này báo cáo lần lượt 330.509 ca (tăng 22%) và 251.158 ca (tăng 24%).

Trung Quốc thể hiện màu xanh dương trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỷ lệ số ca mắc mới trên dân số, cho thấy chu kỳ giảm sâu đang tiếp tục sau làn sóng mùa đông.

Với 222.784 ca dù xét nghiệm được coi là hạn chế, Ấn Độ tiếp túc dẫn đầu Đông Địa Trung Hải, tăng 540% so với chu kỳ trước, theo sau là Indonesia và Thái Lan với mức tăng 168% và 468%.

Đông Địa Trung Hải báo cáo số ca hạn chế, cũng do xét nghiệm ít được thực hiện, nhưng tỷ lệ vẫn đủ chỉ ra một làn sóng mạnh mẽ với 23% các quốc gia báo cáo số ca tăng trên 20%. Cao nhất là Morocco với 306%, Afghanistan với 238% và Ả Rập Saudi tăng 56%.

Về số ca tử vong, châu Mỹ gây chú ý bởi tuy số ca mắc mới được báo cáo chỉ 698.126 ca (chiếm 25% số ca toàn cầu); nhưng số ca tử vong chiếm tới gần một nửa số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu với 8.162 ca, trong đó có 5.263 ca được báo cáo từ Mỹ.

Mỹ cũng là số ca có số ca mắc mới cao nhất thế giới với 392.480 ca dù đã giảm sâu 37% so với chu kỳ trước.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>