Năm 2023, phấn đấu công nhận thêm 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh

12/01/2023 | 07:43 GMT+7

(HG) - Thông tin từ Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thì theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2023, Hậu Giang sẽ phấn đấu công nhận thêm ít nhất 40 sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh, đồng thời công nhận lại một số sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2020 đã hết hiệu lực theo quyết định được phê duyệt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cùng các ngành có liên quan của tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ đối với chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận trong việc đổi mới bao bì sản phẩm, cải tiến công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” là một trong 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đủ điều kiện đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương trong năm 2023.

Để đạt mục tiêu trọng tâm trong thực hiện chương trình OCOP năm 2023, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, trong đó đặc biệt là chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất; đồng thời thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh như: thông qua cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...). Ngoài ra, thực hiện khuyến khích, hỗ trợ cho các chủ thể trong việc xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hóa địa phương.

Mặt khác, tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ quản lý chương trình các cấp, cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở và hộ sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác có hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm khi được công nhận OCOP cấp quốc gia...

Kết thúc năm 2022, Hậu Giang công nhận mới thêm 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đến nay là 175 sản phẩm. Trong đó, có 68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao (chiếm 38,8%); có 107 sản phẩm 3 sao (chiếm 61,1%). Tổng số hiện có 82 chủ thể tham gia thực hiện OCOP, trong đó số chủ thể OCOP là doanh nghiệp chiếm 15,9%; hợp tác xã là 26,8%; cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh là 57,3%. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, tỉnh có 2 sản phẩm OCOP được thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 7 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao củaTrung ương vào năm nay.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>