Nhiều điểm đến trong nước đang "dư thừa" khách sạn

02/11/2023 | 09:36 GMT+7

Hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn đang gặp nhiều thách thức, tuy nhiên các tín hiệu tích cực về nguồn cầu trong giai đoạn cuối năm 2023 và chính sách thị thực mới của Việt Nam được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho năm tới.

Ảnh minh họa internet.

Tại Việt Nam, quá trình khôi phục của ngành khách sạn đang diễn ra không đồng đều. Công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Tuy nhiên các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang - Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Theo nhận định của công ty tư vấn Savills Hotels, tình trạng dư nguồn cung tại một số điểm đến, trong bối cảnh các nguồn khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm là nguyên nhân gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục của ngành khách sạn - nghỉ dưỡng.

Nhìn vào thống kê 10 năm qua (2013 - 2023), phần lớn nguồn cung phòng khách sạn tại Việt Nam tập trung ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An - Quảng Nam, tương đương 54% nguồn cung mới trên cả nước.

Trong đó đáng chú ý là nguồn cung tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/năm, cao hơn nhiều so với con số tại TP.HCM và Hà Nội (khoảng 6%/năm).

Hơn nữa, một số nơi như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long lại tập trung phát triển cùng một phân khúc khách hàng tầm trung, tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn về mặt bằng giá phòng.

"Vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến; điều này còn bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với thị trường. Chúng tôi cũng quan sát thấy tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng tại một vài dự án khách sạn và nghỉ dưỡng. Rủi ro tiềm ẩn với các dự án nếu không đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách, trong bối cảnh du khách Việt Nam đã có thể đi du lịch nước ngoài thuận tiện, dễ dàng hơn", ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels phát biểu tại tọa đàm "Meet the Experts" ngày 1/11 với chủ đề "Tái tạo năng lượng" cho ngành bất động sản và nghỉ dưỡng Việt Nam.

Trước thách thức này, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cần cân nhắc nhiều hơn đến đặc điểm thị trường và các xu hướng lớn, tìm cách thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của du khách sau đại dịch.

Ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần phát triển đa dạng sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. “Việt Nam sở hữu rất nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, vì vậy cần phải cung cấp thật nhiều lựa chọn, cho du khách thấy những cảnh đẹp, bãi biển và bản sắc văn hóa thay vì chỉ giới thiệu về một vẻ đẹp nhất định. Mùa du lịch quốc tế (inbound) đang đến gần, trong khi Thái Lan rất tích cực nới lỏng chính sách thị thực thì Việt Nam cũng nên có những cách thức tương tự để du khách đến đông hơn và ở lại lâu hơn”.

Theo VOV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>