Bắt cá mùa nước mặn

26/03/2019 | 09:10 GMT+7

Những ngày này, dọc theo tuyến đường ven sông Nước Đục, đoạn qua xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, khi con nước rông vào buổi sáng hay xế chiều không khó bắt gặp hình ảnh người dân đi xuồng hoặc vỏ thả lưới.

Người dân sống ven sông bắt đầu thả lưới đón luồng cá “chạy mặn”.

Đa số là những người sinh sống ở ven sông, ngoài làm ruộng còn tranh thủ sắm lưới để bắt cá ở khúc sông này nhằm cải thiện thu nhập. Thời gian này, tuy không khí thả lưới, giăng câu không rộn ràng như mùa nước nổi, nhưng theo những người dày dặn kinh nghiệm thì khi nước bắt đầu mặn, nghề câu lưới cũng “có ăn”.

Vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân, anh Võ Văn Cường, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, tranh thủ ra chợ Cầu Móng sắm 2 tay lưới, loại 100m/tay để bắt đầu những đợt thả đầu tiên. Mấy ngày nay, buổi sáng đợi lúc con nước đứng, anh Cường chạy vỏ ra đoạn sông gần nhà. Dừng vỏ vào một bóng râm ven sông để chờ kéo lưới, anh Cường chia sẻ: “Nghe đứa em chuyên đi giăng lưới nói mấy hôm nay kiếm cá cũng khá nhiều nên sẵn lúc làm lúa xong còn rảnh tôi cũng mua 2 tay lưới hết 600.000 đồng về để thả”.

Anh Cường còn cho biết thêm, thả lưới chủ yếu gần mấy khu vực người dân nuôi lục bình và trong kênh nhỏ, mấy hôm nay bắt được nhiều cá mè vinh, mè dảnh, cá rô… Từ sáng đến trưa là kiếm được 5-7kg tùy bữa. Số cá này mang ra chợ bán cũng được giá 20.000 đồng/kg, cá rô thì 40.000 đồng/kg. Những người đi thả ở xa hơn, ra đoạn sông Nước Trong nghe nói mặn về nên bắt được nhiều cá vồ, cá cóc… “Các loại cá nhỏ như mè vinh, mè dảnh “chạy” mặn trước nên về đoạn sông này cũng nhiều, có thể sắp tới sẽ kiếm được khá hơn. Không chừng lúc đó tôi cũng mua lưới giăng thêm”, anh Cường cho biết.

Cùng ở ấp 3, có ông Trần Văn Quang gắn bó với nghề câu lưới đã hơn chục năm nay. Mỗi ngày, ông đi nhiều nơi từ xa đến gần để thả lưới đến 11-12 giờ trưa mới về, có khi theo con nước rông thì xế chiều vẫn đi tiếp để kiếm cá. Từ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông cho hay bình thường cỡ tháng này nước bắt đầu mặn, hễ cá gặp mặn là bơi về vùng có độ mặn thấp hoặc chưa bị mặn. Quan sát bằng mắt thường, ông Quang nói rằng khi thấy màu nước bắt đầu trong, lục bình héo dần là biết nước mặn về, cá bắt đầu “chạy mặn” theo luồng nên có thể canh mà bắt, nhiều nhất là cá vồ đém.

Những người thả lưới cá vồ có thể đi thành nhóm hay đi riêng lẻ, thả lưới xuống thấy có cá ục là dùng sào đập nước để lùa cá vào gần chỗ lưới giăng. Lưới dùng bắt cá vồ đém xài rất hao và cứ 1-2 tháng là phải thay, vì dính cá lớn rất dễ bị rách, lủng, dễ để sổng cá ở những lần thả lưới sau. Nếu vào vụ là có khi phải rục rịch chuẩn bị sắm lưới mới.

Công việc kéo dài từ sáng sớm đến xế chiều, cả ngày rong ruổi theo con nước hết khúc sông này tới khúc sông khác, vất vả là vậy chỉ mong kiếm được nhiều cá về mang ra chợ bán. Khách hàng quen đều canh đến khoảng 2-3 giờ chiều là ra chợ Vịnh Chèo để chọn mua những con cá tươi mới đem về. Những người bán hàng bắt đầu phân loại cá theo từng thau. Cá vồ có số lượng nhiều nhất, hiện nay giá cũng khá cao từ 45.000-50.000 đồngkg, còn lại là cá mè vinh, mè dảnh thì chỉ từ 20.000-25.000 đồng/kg. Người giăng lưới nếu ngày ít cũng bán được cỡ 300.000-400.000 đồng, có ngày bội thu thì gần 1 triệu đồng. So với mấy năm trước thì lượng cá bắt được gần đây có giảm, nhưng cá vồ đém thì hiện giờ mỗi ngày bắt được từ 5-7kg, đem bán cũng được từ 200.000-350.000 đồng.

Ông Bùi Thanh Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: Mọi năm khoảng đầu tháng 4 thì hoạt động bắt cá của người dân mới diễn ra nhộn nhịp hơn do đón luồng cá di chuyển chạy mặn. Chủ yếu người dân sử dụng các phương pháp truyền thống như giăng câu, thả lưới. Không chỉ tại địa phương mà nhiều người còn ra sông Nước Trong, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, để giăng lưới, thu nhập từ hoạt động này cũng góp phần cải thiện mức sống ở hộ gia đình.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>