Cách hiệu quả nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà

05/07/2022 | 10:17 GMT+7

Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đã và đang được triển khai, mang lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Sàng lọc trước sinh giúp thai phụ phát hiện những dị tật, bất thường của thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Người dân đồng thuận, ủng hộ

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là những biện pháp giúp chẩn đoán các bệnh rối loạn di truyền của trẻ trong thời kỳ mang thai và ngay sau khi ra đời. Từ đó, có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra. Đối với những trường hợp dị tật nặng, khả năng sống sót sau sinh thấp, người mẹ, gia đình có thể cân nhắc dừng thai kỳ. Nhờ vậy, giảm được tỷ lệ người bị dị tật bẩm sinh, người tàn tật, thiểu năng trí tuệ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội và nâng cao chất lượng dân số.

Thời gian qua, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, 1.133 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, chiếm tỷ lệ 31,4%; 1.609 trẻ sinh được sàng lọc sơ sinh, chiếm 44,7% số trẻ sinh. Qua sàng lọc, chẩn đoán, có 26 trẻ nguy cơ cao và 11 trẻ đã tham gia sàng lọc chẩn đoán bệnh lần 2, trong đó phát hiện 5 trẻ bất thường, 5 trẻ bình thường và còn 1 trẻ đang đợi kết quả. Ngoài ra, còn 15 trẻ đang vận động tham gia sàng lọc chẩn đoán bệnh lần 2 để có những biện pháp can thiệp, điều trị phù hợp.

Qua triển khai, công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. BS.CK1 Cao Thị Anh Thư, Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện sàng lọc trước sinh với các phương pháp như Double test, Triple test, NIPT, siêu âm đo độ mờ da gáy. Khi thai phụ đến khám trong độ tuổi thai phù hợp thì bác sĩ sẽ tư vấn để thực hiện. Tương tự, khi trẻ vừa ra đời chúng tôi cũng tư vấn để sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân để xét nghiệm, phát hiện 3 hoặc 5 loại bệnh, đa phần các bà mẹ và gia đình khi được tư vấn đều đồng ý thực hiện”.

Ngày càng có nhiều gia đình nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Do đó, khi mang thai và sau sinh, họ chủ động sàng lọc để kiểm tra, đảm bảo sức khỏe của con mình. Một số gia đình chưa được biết đến các hoạt động này, sau khi được tư vấn, cũng quan tâm thực hiện. Chị Nguyễn Thị Trang, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Khi sinh con ra ai cũng muốn con mình khỏe mạnh, lành lặn. Nhưng một đứa trẻ nhìn bên ngoài thấy đầy đủ, không khiếm khuyết không có nghĩa là không mắc các bệnh di truyền khác. Vì vậy trong lúc mang thai, sau sinh tôi đều sàng lọc và rất yên tâm khi biết con khỏe mạnh”.

Theo ông Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, nhận xét: “Qua báo cáo của tỉnh, tôi nhận thấy công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại tỉnh thực hiện có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể dừng lại ở đó, vì mục tiêu phải sàng lọc, phát hiện ra bệnh, quản lý và xử lý bệnh, dự phòng và điều trị bệnh để nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh”.

Bên cạnh đó kết quả đạt được, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa để phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Trong 6 tháng đầu năm, huyện Phụng Hiệp là địa phương có số phụ nữ mang thai và số trẻ sinh cao nhất của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là đơn vị có tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh thấp nhất. Theo báo cáo, trong số 915 trẻ sinh của huyện, chỉ có 51 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh (chiếm 5,5%), 192 trẻ sinh được sàng lọc sơ sinh (chiếm 20,9%). Tỷ lệ này khá thấp so với mức trung bình của tỉnh và chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của địa phương.

Theo ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp: “Trung tâm hiện có đầy đủ cán bộ, phương tiện và nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ để sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Nhưng chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, nhất là trong công tác tuyên truyền cho các đối tượng. Vì những người vận động chủ yếu là cộng tác viên, kiến thức của lực lượng này thì chưa sâu nên việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Một số chị em phụ nữ đến khám thai ở tuần tuổi không phù hợp nên cũng không thể thực hiện sàng lọc, một số khác từ chối thực hiện do điều kiện kinh tế không cho phép”.

Đó không chỉ là vấn đề của riêng huyện Phụng Hiệp, mà là khó khăn chung của các địa phương trong việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh hiện nay. Do việc nắm đối tượng, tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế nên ý thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh chưa cao. Do hoàn cảnh khó khăn, một số trường hợp không có điều kiện để thực hiện sàng lọc. Trong khi đó, mẫu giấy thấm để sàng lọc miễn phí chỉ xét nghiệm được 2 bệnh (thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh), chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên khó vận động thực hiện, dù là miễn phí.

Chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh hiện đang được thực hiện tại 10 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 8 đơn vị thực hiện đề án sàng lọc sơ sinh miễn phí. Toàn tỉnh hiện có 3 bộ máy siêu âm 4D, 8 bộ máy siêu âm 3D để phục vụ cho công tác sàng lọc trước sinh. Về nhân lực, tỉnh hiện có 17 bác sĩ được đào tạo kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh và 37 cán bộ trực tiếp thực hiện sàng lọc sơ sinh. Bên cạnh đó, vẫn còn 4 đơn vị có cán bộ chưa được đào tạo sàng lọc trước sinh và 33 cán bộ vẫn chưa được tập huấn sàng lọc sơ sinh. Điều này gây ảnh hưởng nhất định đối với công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở Y tế đã làm việc với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) để xin chủ trương thành lập một trung tâm truyền thông trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh. Trung tâm này không chỉ là nơi tư vấn về sức khỏe sinh sản mà còn tư vấn về việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành sẽ chỉ đạo chặt chẽ hơn, giao chỉ tiêu cụ thể hơn đối với công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Rà soát nhu cầu về trang thiết bị và tổ chức đào tạo nhân lực, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên để tuyên truyền, vận động. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại tỉnh trong thời gian tới.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh, mà còn là một hoạt động mang tính nhân văn. Thực hiện tốt công tác này sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp đối với giống nòi và thế hệ tương lai!

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>