Chăm lo nạn nhân da cam

09/08/2018 | 07:23 GMT+7

Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) các cấp đã tích cực hỗ trợ các nạn nhân, giúp mọi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống... với nhiều việc làm thiết thực.

Công tác chăm lo nạn nhân CĐDC luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội quan tâm .

An cư từ những căn nhà

Những ngày tháng 7, gia đình bà Trần Thị Liên, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, rộn rã tiếng cười nói của láng giềng, bà con lối xóm đến thăm hỏi, chúc mừng. Ai cũng mừng vì gia đình bà vừa được hỗ trợ căn nhà tình thương, từ đây hết sợ mưa gió, ngập nước.

Hoàn cảnh gia đình bà Liên rất khó khăn. Bà sống cùng người con trai (anh Nguyễn Hải Đăng) và người con gái (chị Nguyễn Ánh Hồng), chị Ánh Hồng bị nhiễm CĐDC từ thuở lọt lòng nên chẳng làm được gì suốt hai mươi mấy năm nay. Được biết, chị Ánh Hồng có người chị song sinh là Hải Âu cũng bị nhiễm CĐDC và mất cách đây nhiều năm.

Bà Liên cho biết: “Sinh con ra ai cũng mong con được khỏe mạnh, nào ngờ con bị như vầy, chúng tôi chỉ biết cố gắng làm lụng để lo cho con. Hồi trước có biết CĐDC là gì đâu. Thấy con sinh ra yếu ớt, tay chân nhỏ nhắn nên chúng tôi chỉ biết đưa con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh viện nào cũng lắc đầu”. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cộng thêm chị Ánh Hồng bị nhiễm CĐDC, sức khỏe yếu, bị bệnh thường xuyên nên đời sống kinh tế càng thêm túng quẫn. Vì thế, cả gia đình phải tá túc trong căn nhà xiêu vẹo, mỗi lần nước dâng lên là bị ngập mà không có khả năng sửa chữa lại. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi tỉnh đã hỗ trợ 30 triệu đồng, UBND xã Hỏa Tiến hỗ trợ 10 triệu đồng, để gia đình xây dựng căn nhà tình thương, để gia đình bà có được mái ấm an cư. “Có được căn nhà vững chãi này là nhờ sự quan tâm chăm lo của các ngành, các cấp. Nếu không có sự chăm lo ấy chắc gia đình không thể gượng dậy nổi”, bà Liên bộc bạch.

Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho các gia đình bị ảnh hưởng CĐDC là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Từ năm 2006 đến nay, với nguồn vận động xã hội hóa, các cấp hội đã xây dựng mới và sửa chữa 111 căn nhà tình thương cho các gia đình. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, hầu hết nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, những năm qua, cùng với các ngành, các cấp, các cấp hội đã tích cực vận động để chăm lo cho các nạn nhân, nhất là về nhà ở. Những căn nhà tình thương ấy chính là niềm động viên, an ủi rất lớn, giúp các gia đình nỗ lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau

Nỗi đau da cam đã in hằn trên thân thể tật nguyền của nhiều người, không chỉ những người trực tiếp tham gia chiến tranh mà cả thế hệ con cháu của họ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Theo bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy: “Khi tận mắt chứng kiến những gia cảnh éo le, nghèo khổ, bệnh tật bởi di chứng của CĐDC, chúng tôi càng thấm thía câu nói “Các nạn nhân CĐDC là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”. Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ nỗi đau, hội thường xuyên vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đoàn thể để cùng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các gia đình và nạn nhân”.

Cùng với các cấp hội, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đã tích cực hỗ trợ, để chăm lo đời sống các nạn nhân da cam. Suốt 10 năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đều trích phần kinh phí để dành tặng những suất quà cho những nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, từng chia sẻ: “Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hàng năm, công ty đều dành phần kinh phí để trao tặng những phần quà đến các nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn mà các gia đình đang phải gánh chịu”.

Mỗi gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả họ đều phải gánh chịu nỗi đau. Cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh ấy, các ngành, các cấp và toàn xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, để chăm lo cho những nạn nhân đáng thương ấy. Trong những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã vận động trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, với tổng số tiền gần 143 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, nhấn mạnh: “Phát huy kết quả đạt được, hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả của thảm họa da cam đối với môi trường và con người, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người bị nhiễm chất độc hóa học. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC về vật chất, tinh thần, nhất là chữa bệnh, nuôi dưỡng và chăm lo đời sống sinh hoạt cho họ. Tiếp tục tạo mọi điều kiện để các gia đình và nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 111 gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC được xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Các cấp hội còn hỗ trợ 761 suất học bổng, 37.000 quyển tập, 200 cặp cho học sinh. Đồng thời, tặng 237 xe lăn, 29 xe lắc, hỗ trợ vốn sản xuất chăn nuôi và trợ cấp khó khăn cho 425 người, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật mắt đục thủy tinh thể cho 23.626 lượt người, trao tặng trên 130.200 phần quà cho các nạn nhân...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>