Được lập bàn thờ nhưng… chưa chết

21/03/2018 | 07:57 GMT+7

Mất liên lạc hoàn toàn với gia đình gần 60 năm khiến người thân lầm tưởng ông đã chết nên lập bàn thờ và tổ chức lễ giỗ suốt mấy chục năm nay...

Những người đi chợ Vị Thanh (phường III, thành phố Vị Thanh) hay chợ Hội Đồng (xã Vị Đông, huyện Vị Thủy) thường thấy ông lão bán vé số dáng người gầy sộp, làn da đầy đồi mồi, đen trũi, đặc biệt là giọng nói đậm chất Quảng Nam không lẫn vào đâu được. Ông là ông Năm Trân (Tăng Trân).

Căn nhà cấp 4 mà đại gia đình ông đang sinh sống ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, nằm cặp con kênh Ba Liên êm đềm nước chảy quanh năm, nhưng cuộc đời ông không êm đềm như vậy.

Ông Năm Trân kể về cuộc hội ngộ… đặc biệt của cuộc đời mình.

Gần đây, ông hay kể cho xóm giềng và người thân quen nghe câu chuyện về chuyến đi mà ông cho là ý nghĩa nhất cuộc đời mình để tìm về cố hương ở tận xứ Quảng Nam. Trong chuyến đi ấy ẩn chứa không ít điều bất ngờ, thú vị và cả những giọt nước mắt.

Năm 1959, sự khắc nghiệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đẩy ông ở… bên kia chiến tuyến. Sau năm 1975, ông được đưa đi cải tạo và trở về với cuộc sống đời thường.

Sau đó, ông cố gắng liên lạc với người thân ở quê nhiều lần nhưng không có kết quả vì địa giới hành chính ở quê ông khi ấy đã được điều chỉnh. Hoàn cảnh éo le, khốn khó khi không có đất đai canh tác và mấy đứa con nhỏ lần lượt ra đời khiến ước nguyện một lần được… hồi hương của ông Năm Trân trở nên xa vời vợi.

Bươn chải với cuộc sống, ông làm đủ nghề, thậm chí phải xa vợ con để lên Thành phố Hồ Chí Minh làm nghề bốc vác. Khi tuổi cao, sức yếu, ông chuyển sang bán vé số hơn 20 năm nay.

“Số tiền kiếm được mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ được 100.000 đồng, lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình còn thiếu trước hụt sau nói chi đến chuyện có tiền về thăm quê ở tận Quảng Nam. Nhưng ước nguyện được một lần về thăm quê cứ mãi canh cánh trong suy nghĩ của tôi”, ông Năm Trân chia sẻ.

Rồi ước nguyện ấy dần được nhen nhóm khi con cái trưởng thành và biết lao động kiếm tiền. Một ngày nọ, nghe bọn nhỏ tính chuyện cùng ông về thăm cố hương mà ông mừng phát khóc. Mấy hôm trước ngày đi, không đêm nào ông ngủ được vì mừng, vì lo lắng không biết người thân có còn nhận ra mình sau gần 60 năm xa cách.

Khi chuyến bay đáp xuống Đà Nẵng, hai cha con ông phải mất cả tiếng đồng hồ hỏi đường mới về được tới quê. Con đường làng ngày trước ông thường nô đùa với nhóm bạn giờ đây thay đổi đến không còn nhận ra. Vùng quê nghèo khó giờ được đầu tư khang trang, điện kéo vô tới tận nhà cho người dân sử dụng… Ông thầm mừng cho sự phát triển của quê hương!

Nếu không có người nói thì ông cũng không biết ngôi nhà tường khang trang hiện ra trước mặt chính là vị trí căn nhà cũ nơi mà ông được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương cha mẹ, anh em, dòng họ. Người ông gặp đầu tiên khi bước vào nhà là cô em gái út Tăng Thị Bài. Năm ông rời quê, bà Bài mới 14 tuổi, nay tóc đã bạc nhiều, còn đôi mắt không còn nhìn thấy rõ.

Biết anh trai chưa chết và trở về thăm quê, bà Bài khóc nghẹn, dang tay ôm chầm.

Đối với ông Năm Trân, còn gì vui sướng hơn khi tình cảm ruột thịt thiêng liêng mà ông thèm khát, ấp ủ, chờ đợi mấy chục năm nay đã được toại nguyện.

Bất chợt tay ông run run, mắt ông đẫm lệ khi biết người em gái út và đám cháu đã lập bàn thờ cho mình đặt cạnh người cha quá cố. Thì ra từ sau năm 1975, thấy ông không về và mất hoàn toàn liên lạc nên mọi người nghĩ ông đã chết và lập bàn thờ suốt mấy chục năm nay.

Được cô út kể lại ông mới biết, người anh trai cả trong nhà đã cất công tìm kiếm tung tích ông khắp nơi nhưng vô vọng. Bây giờ ông đã trở về, họ dẹp ngay bàn thờ trong… vui sướng.

7 ngày lưu lại ở quê, ông đi thăm hết người thân, dòng họ. Ai gặp ông cũng thốt nghẹn: “Tao tưởng mày không về nữa!”.

Đi đến đâu, gặp ai ông cũng cố gắng tìm lại chút dư âm của quá khứ, nhưng sao có thể? Vì cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn, còn người thân, bạn bè chơi với ông hồi nhỏ giờ còn được mấy ai!

Giây phút chia tay để ông trở về quê hương thứ hai Hậu Giang đong đầy cảm xúc, nhưng không hụt hẫng như ngày ông xa quê cách đây gần 60 năm vì phương tiện liên lạc hiện tại đã thuận lợi hơn trước rất nhiều nên ông có thể trò chuyện với người thân mọi lúc, mọi nơi.

Sau chuyến đi… đặc biệt ấy, ông Năm Trân vẫn tiếp tục gắn bó với nghề bán vé số để mưu sinh, nhưng có điểm khác là ông cười nhiều hơn trong lúc… hành nghề vì niềm vui hội ngộ người thân sau hơn nửa thế kỷ xa cách vẫn còn nguyên vẹn.

Mỗi lần nghe chuông điện thoại reo, ông biết chắc là cô út hay mấy đứa cháu ở quê điện hỏi thăm. Lần nào họ cũng nhắc ông thu xếp thời gian để về thăm quê lần nữa, còn ông cũng ríu rít mời họ về thăm Hậu Giang. Những cuộc nói chuyện tưởng chừng như giản đơn ấy nhưng ông đã thèm khát, mong mỏi chúng suốt mấy chục năm ròng…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích