“Câu chuyện Việt Nam của tôi” từ Ngài Đại sứ rất yêu đất nước hình chữ S

25/09/2023 | 09:03 GMT+7

Dành gần trọn tuổi trẻ để học tập, làm việc và sinh sống tại Việt Nam, Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã kể lại những điều này qua quyển sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi”, vừa ra mắt độc giả cách đây không lâu.

Ngài Đại sứ Saadi Salama mặc áo bà ba, cùng nhà thiết kế Minh Hạnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh đến Chợ nông thôn Vị Thanh.

Sách viết dưới dạng hồi ký, ghi lại những cảm nhận của tác giả từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, đã nghe hai từ Việt Nam trên những phương tiện thông tin ít ỏi. Khi đó, ông biết được đây là một quốc gia nghèo nhưng ngoan cường, anh dũng đã đánh đuổi ngoại xâm để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Là một người yêu nước, sống trong cảnh chiến tranh liên miên nên càng lớn, ông càng ý thức và cảm nhận được sự tương đồng của hai quốc gia, muốn khám phá để có thêm những trải nghiệm quý giá. Vậy nên, khi có cơ hội, ông đã chọn Việt Nam để đi du học và nó mở ra cơ duyên để ông gắn bó với đất nước hình chữ S này mấy chục năm nay.

Quyển sách dày hơn 300 trang, gồm 14 chương, ghi lại đầy đủ cuộc đời ông từ nhỏ sống tại ngôi làng Idna, thành phố Hebron, Palestine đến khi sang Việt Nam học vào năm 1980, con đường làm nhà ngoại giao của ông ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác. Trong 14 chương, ông dành nhiều chương để nói về những khó khăn để hòa nhập với môi trường mới, học tiếng Việt, yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt, yêu Hà Nội... Bằng tình yêu Việt Nam, ông đã vượt qua những khó khăn, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, để dung nạp thật nhiều kiến thức về quốc gia ông yêu mến như quê hương thứ hai của mình.

Ông rất giỏi tiếng Việt, tư duy và suy nghĩ bằng tiếng Việt. Qua quá trình học tập và công tác tại Việt Nam, ông biết thêm nhiều câu chuyện lịch sử chống giặc ngoan cường, gặp những nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm, đầy khó khăn và thử thách của Việt Nam sau chiến tranh và từng bước vươn lên theo một con đường riêng, để kiến thiết đất nước, để đến hôm nay vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đang được khẳng định. Ông còn cảm nhận được những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, sự giao thoa của văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập và gạn ra được những nét văn hóa rất riêng của người Việt ở từng vùng, miền, để tạo thành một nét riêng khó hòa lẫn...

Điều thú vị nhất trong quyển sách này là những chương ông ghi lại cảm xúc của mình về quê hương Việt Nam và những người đã gắn bó với ông, tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua những khó khăn, thử thách. Có giai đoạn, ông trở về quê mình, đi đến nước khác để làm việc, nhưng mỗi khi được trở lại Việt Nam, ông luôn xúc động như được trở về nhà... Câu chuyện càng lôi cuốn khi ông bàn đến vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của người Việt. Đọc những dòng tác giả viết, khiến người Việt cũng phải ngỡ ngàng và nể phục trước góc nhìn thấu đáo, tinh tế và cảm nhận một cách trọn vẹn về người Việt, văn hóa Việt.

Nhiều người khi đọc cuốn sách này đều công nhận: Phải là một người có tình yêu lớn với đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, mới dày công nghiên cứu để có thể hiểu như hiểu chính mình, dân tộc mình. Ông đã cho người Việt thấy mình đẹp như thế nào, lòng yêu nước và tự hào dân tộc của họ thật lớn lao truyền thống văn hóa của họ độc đáo ra sao trong mắt người nước ngoài. Những minh chứng ông đưa ra để khẳng định sự cảm nhận của mình về người Việt là có cơ sở và đó là những nét rất riêng tạo nên sự độc đáo, đặc sắc.

Trong lời tựa cho sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết: “Cảm nhận của ông về con người và đất nước Việt Nam làm cho chính người Việt Nam nhận ra những vẻ đẹp mới trong văn hóa của xứ sở mình. Ông mang tới cách nhìn từ một nền văn hóa khác, một vùng địa lý khác và một tôn giáo khác để làm cho Việt Nam hiện trong tinh thần mới mẻ. Tôi nhận ra đất nước mình trong vẻ đẹp vừa được ông khám phá...” (trang 8).

Khó có thể diễn tả hết bằng lời sự trân quý dành cho một người nước ngoài đã yêu Việt Nam bằng tình yêu sâu đậm. Ông đã mang đến cho độc giả những cảm nhận thật quý giá về đất nước mình, về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để thêm yêu quý và trân trọng những giá trị của quá khứ, chung tay, góp sức giữ gìn để phát huy giá trị ấy phù hợp với xu thế phát triển của nhịp sống hiện đại, xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc.

Mỗi trang viết là những tình cảm, cảm xúc và chất liệu cuộc sống từ những trải nghiệm, cuốn khán giả vào từng câu chuyện kể đầy hấp dẫn...

Tham dự Festival Áo bà ba tại Hậu Giang

 

Theo Ngài Đại sứ Saadi Salama, tới đây ông sẽ có mặt tại Hậu Giang để tham gia các hoạt động tại Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023, trước đó, ông đã đến Hậu Giang tham dự họp báo sự kiện này với hình ảnh mặc áo bà ba cùng những chia sẻ rất gần gũi, sõi tiếng Việt khiến nhiều người rất bất ngờ, tham quan vùng khóm Cầu Đúc, Chợ nông thôn Vị Thanh, thưởng thức các món bánh, món ăn đặc trưng và những đặc sản do các nghệ nhân ẩm thực tỉnh nhà thực hiện.

 

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>