Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác giáo dục và đào tạo tại Hậu Giang

24/05/2023 | 13:49 GMT+7

(HGO) – Ngày 24-5, Đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương, do ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, làm Trưởng đoàn, đã đến khảo sát về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tiếp đoàn có ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Sầm Hoàng Minh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, năm 2015, tỉnh đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì đến thời điểm hiện tại; 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường. Năm 2018, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Về phổ cập giáo dục THCS, có 22/75 xã, phường, thị trấn, 6/8 huyện, thị thành phố đạt chuẩn mức độ 2, còn lại đạt chuẩn mức độ 3. Toàn tỉnh có 12 trường dạy tiếng Khmer, trong đó có 2 trường dân tộc nội trú, 1 trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn là 97,54%, trên chuẩn là 74,37%; cấp tiểu học đạt chuẩn 91,16%, trên chuẩn 0,8%; cấp THCS đạt chuẩn 93,56%, trên chuẩn 0,69%; cấp THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,09%; hệ giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 17,33%. Giai đoạn 2013-2023, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển giáo dục và đào tạo là hơn 2.090 tỉ đồng. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh vận động xã hội hóa trên 432 tỉ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh có 261/317 trường có đơn vị đỡ đầu trường học.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện Kết luận số 49 ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh có 2.066 tổ chức hội khuyến học tại cộng đồng dân cư với 255.130 hội viên, đạt tỷ lệ 34,95% dân số của tỉnh. Những năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn gần 231 tỉ đồng, trao trên 53.000 suất học bổng và gần 290.000 suất quà. Tỉnh cũng triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với 100% giáo viên được tập huấn. Hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục địa phương và đưa vào giảng dạy các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.

Bên cạnh các kết quả đạt được, tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Việc phân luồng học sinh sau THCS vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ cho dạy học, trải nghiệm; Việc kêu gọi đầu tư xây dựng trường ngoài công lập còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; Đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, phải hợp đồng ngoài biên chế; Trình độ, năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giảng dạy,... Những vấn đề này đã được trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc.

Ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Đoàn công tác, nhận định, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hậu Giang đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Ông Vũ Thanh Mai chỉ đạo: Trong thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29. Quan tâm, đầu tư cho con người, lấy con người làm trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Phát triển con người Hậu Giang giàu chuyên môn, có văn hóa và bản sắc dân tộc. Nghiên cứu, đầu tư cho ngoại ngữ để hội nhập và quốc tế hóa. Triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học. Tiến hành hoạt động xã hội hóa để đầu tư cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo. Duy trì quyết tâm, năng lượng hiện có để đưa ngành giáo dục của tỉnh phát triển trong tương lai.

Kết quả buổi làm việc là cơ sở để tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 49 ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư khóa XII. Đồng thời đánh giá công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng như việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại nước ta hiện nay.

Tin, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>