Cẩn trọng khi tiếp nhận sữa, thực phẩm ăn liền tặng học sinh

25/12/2023 | 08:42 GMT+7

55 em học sinh nhập viện với các biểu hiện nôn, ói, đau bụng sau khi uống sữa được tặng là bài học cho tất cả trường học khi tiếp nhận sữa, thực phẩm ăn liền.

Các em học sinh nhập viện sau khi uống sữa được tặng đều đã xuất viện. Ảnh: AN NHIÊN

Người tặng không có tâm, nhà trường thiếu trách nhiệm ?

14 giờ ngày 20-12 vừa qua, tại điểm lẻ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (điểm Chùa, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh) nhiều học sinh nôn, ói, đau bụng,… sau khi uống sữa tại trường. Em Thị Ng.Y., học sinh lớp 4, nhớ lại: “Khoảng 3 giờ mấy chiều, vào lúc ra chơi, con được cho sữa và đã uống 4 hộp. Một hồi trở vô học thì con thấy đau bụng, nhức đầu, rồi được đưa đi bệnh viện”.

Trước đó, trường đã tiếp nhận 30 thùng sữa, mỗi thùng 48 hộp (loại 110ml và 180ml) từ một mạnh thường quân trao tặng. Số lượng sữa được phát cho 120 học sinh ở 5 lớp đi học trong buổi này. Số sữa này do ông Lê Th.T., là nhân viên một công ty sữa đến tặng, phát cho học sinh.

Kết quả bước đầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xác minh: Qua kiểm đếm tại hiện trường, còn lại 1.265 hộp sữa. Trong đó, có 24 hộp sữa đã hết hạn từ ngày 26-10-2023, 26 hộp sữa có hạn sử dụng đến ngày 24-12-2023, 227 hộp sữa có hạn sử dụng đến ngày 27-12-2023 và 689 hộp sữa có hạn sử dụng đến ngày 28-12-2023, tức là sẽ hết hạn chỉ trong vài ngày nữa tính từ thời điểm 20-12.

Như vậy, tính đến thời điểm tặng sữa vào 20-12, có những hộp sữa đã hết hạn 54 ngày, có những hộp cận date.

Tặng sữa, quan tâm dinh dưỡng đến các em học sinh các điểm trường khó khăn là điều rất đáng trân trọng, khi điểm trường này có nhiều em học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, nhưng dư luận rất bức xúc tại sao có những hộp sữa đã hết hạn gần 2 tháng trời mà vẫn đem tặng? Với trách nhiệm của một người kinh doanh, thì không thể có chuyện thiếu thận trọng kiểm đếm, không biết có những hộp sữa quá date như vậy.

Về phía nhà trường, theo báo cáo từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Qua điều tra ghi nhận việc cấp phát sữa miễn phí cho các em học sinh tại điểm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi do đơn vị tài trợ (mạnh thường quân) tự liên hệ cấp phát, Ban Giám hiệu nhà trường không có thông báo cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương trước khi cho học sinh uống.

Như vậy, nhà trường rất thiếu trách nhiệm kiểm tra lại các thùng sữa được tặng, sau đó phát cho học sinh uống và dẫn tới hậu quả là 55 em nhập viện.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Sở Y tế khuyến cáo khi có những trường hợp làm từ thiện, đặc biệt là những thực phẩm kể cả sữa cho các em dùng, nên liên hệ trực tiếp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để được hướng dẫn chi tiết, tránh tình trạng ngộ độc tương tự. Sau vụ việc này, đối với nhà trường cũng như phụ huynh nên nắm chắc nguồn gốc của những thực phẩm từ đâu đến để hiểu rõ được chất lượng thực phẩm. Nếu thiếu thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để được hỗ trợ một cách tích cực hơn”.

Các trường xử lý thế nào khi nhận thực phẩm ăn liền nghi ngờ chất lượng ?

Ông Nguyễn Trúc Lòng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mùa Xuân, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Trường nằm ở vùng nông thôn, lại có khoảng 50% học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên hàng năm học sinh của trường thường xuyên được nhận các phần quà hỗ trợ. Ngoài cho tập, quần áo, học bổng… một số mạnh thường quân còn tặng bánh, sữa. Đối với các sản phẩm là thực phẩm, khi nhận về hỗ trợ học sinh, nhà trường chủ yếu sẽ kiểm tra hạn sử dụng, chứ mình đâu có kỹ thuật gì để kiểm cụ thể hơn. Đối với những sản phẩm khi hạn sử dụng còn quá ngắn, chúng tôi sẽ chỉ nhận chứ không phát cho học sinh sử dụng”.

Còn theo ông Danh Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 2, huyện Long Mỹ: “Khi nhận các sản phẩm thực phẩm để hỗ trợ học sinh, nhà trường quan tâm trước tiên là sản phẩm có rõ nguồn gốc không, nếu không rõ nguồn gốc chúng tôi không nhận. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trường sẽ phối hợp với trung tâm y tế địa phương nhờ các nhân viên y tế có chuyên môn hỗ trợ trường kiểm định chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm an toàn, còn hạn sử dụng lâu, nguồn gốc rõ ràng… nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức trao tặng cho học sinh”.

Là một trong những đơn vị được xem là cầu nối tiếp nhận đa dạng sản phẩm hỗ trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng rất thận trọng trong việc nhận hỗ trợ. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Trước khi nhận sản phẩm là thực phẩm, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân đặc biệt là cho các em học sinh, chúng tôi luôn chú ý rất kỹ vào hạn sử dụng. Sản phẩm sau khi tiếp nhận về hội, không chỉ chúng tôi chủ động kiểm tra, mà khi xuống các địa phương, các trường trao tặng đơn vị đều kết hợp với trung tâm y tế để có thêm bước kiểm tra kỹ hơn về chất lượng. Với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng như cận date, không gõ nguồn gốc… nếu hội đã nhận, chúng tôi cũng sẽ không trao tặng đến người dân, học sinh”.

Để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc về ngộ độc thực phẩm trong trường học trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đề nghị các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền trong trường học về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực xung quanh trường học, bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có ký hợp đồng với nhà trường...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trường học ra sao sau vụ việc 55 học sinh nhập viện ?

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lưu ý các trường: Đối với các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ nhân đạo, các tổ chức, cá nhân thực hiện trong trường học cần phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền, có sự phối hợp của cán bộ y tế, phụ huynh học sinh trong việc kiểm tra, giám sát các nguyên liệu đầu vào về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm... Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhà trường tạm dừng sử dụng và thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xác minh, xử lý.

-------------------------------------

Cần làm gì khi có biểu hiện, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm ?

Ngộ độc thức ăn thường là nhẹ, tự khỏi bệnh trong 24 giờ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nặng và có thể tử vong, cho nên các bác sĩ khuyến cáo nếu trường hợp có các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm nên đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Thị Phương Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, tư vấn: Về các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ Trang cho biết thường sẽ bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Sốt thường gặp trong ngộ độc thức ăn nhiễm khuẩn. Dấu hiệu mất nước do nôn ói, tiêu chảy. Các dấu hiệu đặc hiệu khác tùy tác nhân trong ngộ độc không nhiễm khuẩn hay sốc. Để phòng ngừa, mọi người nên ăn chín, uống sạch, bảo quản tốt thức ăn, không ăn thức ăn ôi thiu hoặc quá hạn sử dụng, không ăn cá nóc, trứng cóc, khoai mì cao sản, nấm rừng, nấm lạ.

 

 Nhóm PV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>