Học văn hóa kết hợp học nghề: Giải pháp sau phân luồng

07/07/2023 | 09:26 GMT+7

Dạy văn hóa gắn với dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, giúp học sinh sau khi kết thúc chương trình THPT, vừa hoàn thành chương trình đào tạo nghề.

Các lớp học văn hóa kết hợp học nghề cho thấy hiệu quả, khi nhiều học viên ra trường vừa có bằng tốt nghiệp, vừa có việc làm ổn định.

Phù hợp điều kiện, khả năng

 “Hai năm trước, nhiều người hỏi em sao không học lên THPT, rồi thử thi vào đại học rồi hãy tính đến chuyện học nghề?, em chỉ trả lời mọi người đại học là con đường dẫn đến thành công của rất nhiều người, em không phủ nhận điều đó, nhưng thực tế em biết lực học và điều kiện kinh tế gia đình hiện tại, nên em đã chọn vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để vừa được học văn hóa THPT, vừa học nghề…”, Kha Thị Khánh Thương, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, chia sẻ.

Sau tốt nghiệp THCS, xác định năng lực và điều kiện kinh tế gia đình, Thương đăng ký học văn hóa song song với học nghề quản trị mạng máy tính tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX huyện Châu Thành. Thương tâm sự: “Còn hơn 1 năm nữa em sẽ hoàn thành chương trình đào tạo nghề, sau đó tập trung để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Khi nào có chứng nhận tốt nghiệp, em sẽ tham gia vào thị trường lao động để tìm kiếm cho mình một vị trí công việc phù hợp với ngành nghề mà em đã được đào tạo”.

Còn với Trương Tấn Đạt, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, vừa tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong thời gian chờ đợi kết quả tốt nghiệp, em đã bắt đầu tìm việc làm phù hợp với nghề thiết kế website đã tốt nghiệp. Đạt bộc bạch: “Em thấy vừa học văn hóa kết hợp học nghề có lợi hơn rất nhiều. Như bản thân em, giờ vừa thi tốt nghiệp THPT xong, nhưng đã có thể xin được việc làm, vì hiện em có được bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thiết kế website của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Trong quá trình học nghề, chúng em còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: miễn học phí, xét hưởng các chính sách của trường… Em thấy, học văn kết hợp học nghề giúp học sinh sau THCS, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí học tập”.

Khi vừa học văn hóa kết hợp học nghề, học sinh sẽ không phải học tất cả các môn văn hóa phổ thông như khi học THPT ở các trường, mà chỉ học 7 môn học chính: toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngữ văn. Hiện nay, việc đào tạo kết hợp này đang được triển khai tại một số cơ sở GDNN và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng học sinh sau THCS.

Cùng lúc có 2 bằng tốt nghiệp

Qua khảo sát thực tế tại các trường trên địa bàn tỉnh, thời gian qua học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân luồng thường sẽ chọn chọn 1 trong 2 hình thức là chỉ đăng ký học văn hóa không học nghề hoặc học văn hóa kết hợp học nghề. Gần đây hình thức học văn hóa kết hợp học nghề được khá nhiều học sinh lựa chọn, bởi chỉ trong 3 năm học, người học cùng lúc sẽ có được bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp chuyên nghiệp. Nếu có nhu cầu, người học còn có thể học liên thông lên cao đẳng. Với các lớp vừa học văn hóa kết hợp học nghề, các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức dạy đủ môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời khóa biểu được linh động, sắp xếp chéo nhau để học sinh đảm bảo kiến thức giữa 2 chương trình.

Là đơn vị nhiều năm liền phối hợp cùng trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở các lớp vừa dạy văn hóa kết hợp dạy nghề, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Mỗi năm, khi tuyển sinh các lớp 10 đầu cấp, chúng tôi tư vấn thêm một số nghề, được đơn vị phối hợp với trường cao đẳng mở đặt tại đây, để những em có nhu cầu đăng ký. Mặc dù, cùng lúc học 2 chương trình đối với các em là khá nặng nề, nhưng sau nhiều khóa tốt nghiệp và tìm được việc làm ổn định từ mô hình kết hợp đào tạo này, đã cho thấy hiệu quả rất cao”.

Đối với các lớp dạy văn hóa kết hợp học nghề, chương trình văn hóa THPT sẽ do các trung tâm GDNN - GDTX đảm nhiệm, chương trình đào tạo nghề sẽ do trường trung cấp, cao đẳng phối hợp giảng dạy.

Hiện chương trình đào tạo nghề chỉ khoảng 2 - 2,5 năm, chương trình văn hóa THPT là 3 năm. Nhằm linh động đáp ứng nhu cầu cho người học, các lớp này có thể đặt tại trung tâm GDNN - GDTX hoặc đặt tại trường nghề.

Trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm GDNN - GDTX, 1 trung tâm GDTX tỉnh và 2 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang và Trường Cao đẳng Luật miền Nam), những đơn vị này thường xuyên phối hợp với nhau để tuyển sinh và mở các lớp vừa dạy văn hóa kết hợp dạy nghề cho học viên.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>