“Không thích thì đánh”

10/02/2023 | 11:01 GMT+7

Có lẽ đời học sinh của ai cũng vậy, ít nhiều một vài lần bị bạn học ăn hiếp, hăm dọa, bị đánh khi đến trường. Cái lý của người đánh thì rất nhiều.

Thằng Sơn, hồi đó đi học cấp 2 ở quê, hễ đi mình ên từ nhà đến trường hay lúc về là bị bạn học chặn đường hăm he, nạt nộ, rượt đánh.

Thằng Hải, ở quê lên phố học, nó cũng năm ba lần bị hăm đánh, chặn đánh.

Lên đại học, một số cũng bị ức hiếp…

Chuyện “thứ 3 học trò” quậy phá, đánh lộn đánh lạo thời nào cũng có.

Nhớ hồi đó mấy thằng ở xóm đi học cũng chia phe ra đống rơm, cặp bờ đê hay giữa ruộng khô đánh nhau. Mà ngộ lắm, đánh đấm u đầu, trầy xước, giận nhau vậy chớ vài bữa lại huề, đi học là rủ nhau cùng đi chứ không đi ên, rồi cũng chơi chung chớ không chơi bè phái riêng lẻ. Tính ra đánh nhau hồi đó là háo thắng chứ không có động cơ, mục đích gì sâu xa.

Chuyện háo thắng của tuổi trẻ thời nào cũng có. Giờ ra đường thấy học sinh chạy xe điện hàng hai, ba không nó bảo hiểm, kéo hết ga; đua xe gắn máy; hú ga, nẹt pô kha khá; vô căn tin trường thì nghe những lời tục, chửi thề; các quán gần trường cũng lắm chuyện nọ kia…

Đánh nhau trong trường học? Một cuộc điều tra nhỏ thì thấy rằng ở trường nào cũng có nhóm này nhóm kia mâu thuẫn, các em còn “dựa hơi” anh em bên ngoài để hăm he bạn học hòng chứng tỏ ta đây… Có em bị ăn hiếp phải cam chịu suốt mấy năm học vì không ảnh hưởng đến sức khỏe, song tinh thần thì lúc nào cũng nơm nớp lo, ảnh hưởng đến việc học hành.

Mà hiềm khích, đánh nhau bây giờ nó lạ lắm, có gì khác hồi đó. Học sinh có thể đã ghét bạn mình nên tìm cách đâm chọc, kiếm cớ gây sự rồi đánh. Vì “cái nhìn”, “vì thấy ghét”, “vì nó dễ ăn hiếp hơn đứa khác, vì nó cô thân”, “vì không thích”… Các em đâu phải ra tay mình ên, đánh bằng tay, đánh rồi thôi, mà kéo bạn bè cùng thái độ tiêu cực đánh, dùng ghế, cây làm hung khí, đánh xé cào cấu, đánh rồi quay phim… Đánh rồi ghét cay ghét đắng suốt nhiều năm học chứ không có chuyện huề như hồi đó.

Trường hợp của học sinh ở Trường Trung học phổ thông Cây Dương, huyện Phụng Hiệp mới đây có thể thấy, ý thức, động cơ, tổ chức đánh bạn như có bài bản: không thích, đánh, kéo người bên ngoài vô trường đánh…

Đáng nói là em mới học lớp 6. Cái lứa tuổi chỉ có thể gọi là mới hình thành ý thức ăn học chứ động cơ hơn thua nhau chưa rõ ràng, mà em thì khác.

Em sai thì gia đình sẽ sửa (vì em đã nghỉ học), sửa để sau này em còn ra đời ứng xử với biết bao người khác, chứ không thể để em cứ mãi giữ thái độ “không thích thì đánh”.

Nhưng còn hay không chuyện như vậy ở các ngôi trường khác? Nếu từ cuộc điều tra nhỏ như trên mà đó là kết quả phổ biến thì không ổn (?).

Đầu năm học nào cũng vậy, nhà trường luôn phổ biến nội quy đến học sinh; giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh thông báo tình hình lớp và bằng mọi cách giữ được mối liên hệ với phụ huynh, ông bà từng học sinh; nhiều trường tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử, pháp luật về giao thông đường bộ đến học sinh… điều này rất có ích cho các em và gia đình có con em đến trường. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp (gia đình, học sinh) cá biệt, ngoại lệ, gây ra những hệ lụy như thời gian qua.

Khi hay tin sự việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chấn chỉnh ngay, yêu cầu tất cả các trường học trong tỉnh quan tâm, chấn chỉnh tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tăng cường kỹ năng sống… cho học sinh và giáo viên. Phối hợp với gia đình, các đoàn thể trong nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tuyên truyền, giáo dục học sinh không vi phạm nội quy nhà trường, quy định của ngành và đặc biệt là không vi phạm pháp luật.

Đây là những chấn chỉnh chung, rất kịp thời để môi trường giáo dục thật sự lành mạnh. Thiết nghĩ các trường học ở Hậu Giang cần có những chấn chỉnh cụ thể, nắm được, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn của cá nhân, nhóm bạn trong từng lớp để không có thêm nữa tình trạng “không thích thì đánh” như trên.

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>