Sức khỏe của học sinh là trên hết

20/02/2023 | 18:26 GMT+7

Qua đợt khảo sát tại nhiều điểm trường học của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh mới đây cho thấy: Còn những vấn đề tồn tại, cần phải giải quyết ngay...

Đoàn giám sát thực phẩm tại căn tin các trường học trong tỉnh.

Khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại căn tin, bếp ăn trường học

Tại Trường THCS L.Q.Đ., thành phố Vị Thanh, đoàn đã thực hiện việc quét mã vạch, truy xuất nguồn gốc các loại bánh kẹo, nước uống, thực phẩm bán cho học sinh tại căn tin trường. Qua khảo sát, cơ bản nhiều sản phẩm đảm bảo yêu cầu an toàn, vệ sinh. Tuy nhiên, một vài thực phẩm không nhãn mác, bánh mì ngọt, kẹo, các ống thạch rau câu… không có hạn sử dụng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm chỉ được một số sản phẩm nước ngọt đóng chai, bánh ngọt của các nhãn hàng lớn. Còn tại Trường Tiểu học thị trấn N.M.1 (huyện Vị Thủy), Trường THPT L.T. (huyện Long Mỹ)… giá một số thực phẩm bán có cao hơn bên ngoài một ít, ghi nhận nhiều loại nước ngọt có gas, kẹo singum, bánh tráng trộn được bày bán cho học sinh…

Điểm khó là không có sự chỉ đạo thống nhất nên tùy theo thực tế kế hoạch từng trường, mà các đơn vị có thời gian kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại căn tin các trường học khác nhau. Có trường hàng tháng 1 lần, có trường làm theo quý, có trường 1 năm học chỉ kiểm tra 2 lần nên khó quản lý, chấn chỉnh các thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh kịp thời.

Bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: “Qua khảo sát, chủ căn tin trường học cho biết nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các căn tin trường đa số được lấy tại những tiệm tạp hóa, các chợ ngay tại địa phương, các loại bánh kẹo, thực phẩm vô cùng đa dạng, lấy chủ yếu theo sở thích học sinh nên nhiều loại bánh rất khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhiều thực phẩm không có nơi sản xuất, hạn sử dụng… đây là điều rất đáng lo ngại cho sức khỏe học sinh, vấn đề an toàn thực phẩm đều rất khó kiểm soát được”.

Thực trạng mua bán hàng rong trước cổng trường học còn khá nhiều. Đây là một trong những trở ngại lớn mà đoàn giám sát băn khoăn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh và tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các trường. Bà Bùi Tuyết Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Trường rất khó quản lý hàng rong bên ngoài cổng và cơ quan chức năng kiểm tra xong thì hàng rong lại đến bán”.

Cùng thực trạng trên, bà Bạch Thị Duy Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tình trạng khó quản lý học sinh, phụ huynh các em mua bán hàng rong trước cổng trường đã có nhiều năm nay. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ra quân tuyên truyền, chấn chỉnh nhưng chỉ được ít hôm. Khi lực lượng địa phương ít kiểm tra, tình hình vẫn... y như cũ. Giải pháp của nhà trường là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, thường xuyên nhắc nhở các em không nên tụ tập mua thức ăn bên ngoài để đảm bảo an toàn sức khỏe”.

Giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường

Để thuận tiện và kiểm soát chất lượng dinh dưỡng bữa ăn tốt hơn, một vài trường học có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bếp nấu… đã tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trường, như Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 (huyện Vị Thủy), Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A), Trường Tiểu học Hùng Vương (thành phố Ngã Bảy). Qua kiểm tra, các bếp ăn cơ bản tuân thủ đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế xây dựng theo nguyên tắc “một chiều” bảo đảm không nhiễm chéo giữa khu vực thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến. Các trường có chủ động và giám sát được tất cả các khâu từ nguồn thực phẩm, chế biến, phân chia thức ăn...

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát, cho biết: “Lo ngại là ở các trường tiểu học thực hiện các suất ăn công nghiệp (đặt suất ăn từ cơ sở chế biến bên ngoài) mang vào cho học sinh khó quản lý chất lượng thực phẩm. Đề nghị nên chọn lựa cơ sở uy tín, có giấy phép, ban giám hiệu tăng cường nhiều hơn công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn, chất lượng thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng cho học trò mình”.

Để bảo vệ sức khỏe của học sinh, an toàn tài sản các em, giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường, ông Nguyễn Hoàng Thanh lưu ý thêm: “Tôi đề nghị các trường học tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú, căn tin trường học đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường thực hiện có chất lượng cơ chế tự chủ tài chính để tăng nguồn thu nhập chính đáng cho toàn thể nhà trường”.

Vì sao nhà trường lúng túng trong thực hiện thủ tục đấu giá nhà xe, căn tin ?

 

Ban giám hiệu không ít trường chia sẻ: Giá trị gói thầu căn tin, nhà xe không nhiều, doanh nghiệp không có lời nên họ không mặn mà tham gia. Đại đa số chỉ chọn thầu ở các trường lớn, đông học sinh, thấy có lời, khi đó họ mới đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị quản lý, đảm bảo an ninh tài sản… Ngoài ra, lúng túng trong các thủ tục, lập hồ sơ, quy trình đấu giá căn tin, nhà xe nên nhiều trường đến nay vẫn chưa thực hiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, phối hợp ngành chức năng địa phương hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình rõ ràng, dễ thực hiện. Mọi hoạt động đều phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, để vừa mang lại lợi ích chung cho nhà trường, vừa tạo được niềm tin, sự an tâm của phụ huynh khi cho con em học tập, sinh hoạt trong nhà trường...”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>