Truyền thông dinh dưỡng ở trường học

23/11/2023 | 10:23 GMT+7

Nâng cao năng lực của lực lượng làm nhiệm vụ chăm sóc dinh dưỡng học đường là vấn đề đang được quan tâm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 290 cán bộ y tế trường học trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa tổ chức đợt tập huấn chuyên môn về Cải thiện dinh dưỡng cho viên chức phụ trách y tế trường học, viên chức phụ trách dinh dưỡng tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh năm 2023, gồm 6 lớp học cho 290 học viên ở 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS của tỉnh. Với nhiều vấn đề về thực trạng dinh dưỡng tuổi học đường được đề cập đã giúp các trường nhận diện được khó khăn, thách thức đang gặp phải hiện nay.

Cô Nguyễn Thị Huyền, phụ trách y tế Trường Mầm non Vành Khuyên, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tham gia lớp tập huấn tôi được cập nhật nhiều kiến thức về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ ở trường. Nhận biết rõ hơn về gánh nặng kép vừa phải thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng và cả béo phì ở trẻ. Ở trường có 14 bé suy dinh dưỡng và 6 trẻ béo phì cần được chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để cải thiện”.

Không riêng cô Huyền, 290 viên chức y tế trường học tham gia 6 lớp tập huấn được tổ chức từ ngày 14 đến 22-11, đây là cơ hội để cập nhật, củng cố đầy đủ kiến thức, kỹ năng và áp dụng hiệu quả ở mỗi trường. Thầy Nguyễn Phước Triệu, phụ trách y tế Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Chúng tôi được cập nhật các kiến thức chăm sóc dinh dưỡng hợp lý tùy theo từng lứa tuổi, vai trò của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em, các biện pháp phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu chất, phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em... Với kiến thức, kỹ năng này tôi sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho khoảng 150 em học sinh của trường và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tại căng tin trường, nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho học sinh”.

Thông qua tập huấn, cũng chỉ ra những cảnh báo, thói quen sử dụng thực phẩm chưa hợp lý ở trẻ cần tăng cường truyền thông để trẻ ăn uống hợp lý, an toàn phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ. Thầy Nguyễn Bạch Cảnh, phụ trách công tác y tế Trường Mẫu giáo Bông Sen, thành phố Ngã Bảy, nhận định: “Thực trạng hiện nay không ít học sinh có chế độ ăn chưa hợp lý, không cân bằng, không đa dạng. Trẻ thích ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có nhiều chất béo, tiêu thụ nhiều bánh kẹo, món mặn, không thích ăn rau, thiếu hoạt động thể lực,… Sau khi được tập huấn, tôi sẽ phối hợp với các cô phụ trách lớp lồng ghép, bổ sung giáo dục dinh dưỡng cho trẻ vào giáo án hợp lý. Tuyên truyền để có sự phối hợp tốt của phụ huynh học sinh hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt, tăng cường vận động, ăn nhiều rau xanh trái cây,…”.

 Là trường ở địa bàn thành phố nên Trường Mẫu giáo Bông Sen đang đối diện với thực trạng gia tăng nguy cơ trẻ béo phì hơn là trẻ suy dinh dưỡng. Trường có 334 trẻ, trong đó, có 36 trẻ thừa cân, có nguy cơ béo phì, nhưng chỉ có 8 trẻ suy dinh dưỡng.

Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Qua tập huấn về Cải thiện dinh dưỡng cho viên chức phụ trách y tế trường học, viên chức phụ trách dinh dưỡng tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh năm 2023, chúng tôi mong muốn nâng cao kỹ năng truyền thông vận động và kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại trường học”.

Lực lượng này sẽ góp phần đảm bảo tốt chăm sóc dinh dưỡng hợp lý ở trường học. Giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>