Bước tiến mới trong thu hút FDI

01/11/2023 | 08:16 GMT+7

Bài 2: “Tháo” nút thắt, “khai thông” dòng vốn FDI

Thủ tục hành chính, thiếu hạ tầng giao thông,… đang là những nút thắt lớn cần được tháo gỡ để dòng vốn FDI không còn bị bó hẹp đầu vào khi chảy đến ĐBSCL.

ĐBSCL là điểm đến được các nhà đầu tư rất chú trọng trong tương lai.

Nhọc nhằn điều kiện đầu tư

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có thì nếu đem lên bàn cân, dễ dàng nhận thấy dòng vốn FDI rót vào ĐBSCL vẫn còn “èo uột” hơn so với các vùng khác.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 vùng kinh tế, Đông Nam bộ có lũy kế tổng vốn FDI nhiều nhất, đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai. Đứng ở vị trí thứ 3 là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tiếp theo là ĐBSCL, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

Lý giải điều này, một số doanh nghiệp FDI cho rằng, những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính cấp phép xây dựng, đất đai, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; đánh giá tác động môi trường, đăng ký đầu tư, thuế, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ đã khiến họ e ngại khi đầu tư vào vùng. 

Còn về lĩnh vực xuất khẩu, tuy các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhưng doanh nghiệp khủng hoảng năng lượng từ cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraina, những biến động kinh tế, xã hội trên thế giới, lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát tại các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Rào cản lớn nhất của ĐBSCL hiện tại chính là hệ thống hạ tầng giao thông. Việc kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong khu vực và nội vùng chưa đồng bộ, thiếu liên kết; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, khung pháp lý, quy trình thủ tục, chồng chéo giữa các văn bản luật cũng trở thành nút thắt lớn.

Ông Nguyễn Phương Lam dẫn chứng: “Trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp gặp khó khăn giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Nhà đất. Nếu như Luật Đất đai yêu cầu có chủ trương đầu tư, có quyền thay đổi quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư, doanh nghiệp buộc phải có quyền khai thác đất, quyền sử dụng đất thì mới được đầu tư. Do đó, các dự án khi thực hiện không biết sử dụng theo luật nào”.

Ở góc nhìn của mình, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TS. Vũ Tiến Lộc chỉ rằng những bất cập trong thể chế chồng chéo mâu thuẫn, xung đột không được xử lý khiến cho doanh nghiệp bất động sản gặp khó khi vận dụng. Ông Lộc cho rằng, các địa phương ĐBSCL cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các thể chế. Trong đó, có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư thương mại quốc tế.

“Những năm gần đây, hệ thống pháp luật cũng như nhiều chính sách từ Chính phủ góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong khu vực. Tuy nhiên, sau 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp mong chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Lộc nhấn mạnh.

Xác định và khắc phục điểm yếu

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá: Hai tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của ĐBSCL là đất và người ở đây. Để phát triển và bước ra sân chơi mới, việc chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu công việc là yếu tố quan trọng hàng đầu.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, ĐBSCL có đủ tiềm năng, thế mạnh trở thành trung tâm logistics của khu vực và cả nước. Bộ Chính trị cũng như Quốc hội đã có Nghị quyết rất quan trọng cho việc xây dựng cơ chế đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh sự bứt tốc phát triển rất lớn. Khi có sự phát triển mạnh mẽ của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ sẽ tạo ra động lực để kết nối với ĐBSCL, tạo cơ hội cho sự phát triển của vùng.

“Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là về chất lượng điều hành, chất lượng quản trị và năng lực cạnh tranh của các địa phương ĐBSCL ở khía cạnh năng lực điều hành rất là cao. Môi trường kinh doanh thân thiện. ĐBSCL là vùng có tiềm năng rất lớn trong phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch và là xu thế của nền kinh tế toàn cầu”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định ĐBSCL là điểm đến được các nhà đầu tư rất chú trọng trong tương lai. Khu vực này cũng có 3 nút thắt trong thu hút FDI, nhưng với ĐBSCL, những nút thắt đó ngày càng rất lớn, thậm chí nghiêm trọng hơn nhiều vùng kinh tế khác. Đó chính là nút thắt về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực và về thể chế.

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông là điểm nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của vùng, nhưng mà gần đây chúng ta có một tín hiệu rất tích cực khi Bộ Chính trị cũng như Quốc hội đã có những quyết định quan trọng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các tuyến đường cao tốc trong khu vực, quy hoạch phát triển trung tâm logistics...

“ĐBSCL có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là nguồn lực tại chỗ. Nếu chúng ta có nhiều cơ hội thì lực lượng lao động sẽ ở lại chính khu vực ĐBSCL để xây dựng quê hương mình, chứ không phải dịch chuyển về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hay là khu vực Đông Nam bộ”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Hiện nay, giao thương kinh tế phát triển, doanh nghiệp trong khu vực sẽ làm việc với nhiều đối tác, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Đồng nghĩa, việc tranh chấp có thể phát sinh bất cứ lúc nào, với tính chất ngày càng phức tạp. Do đó, ông Lộc mong muốn các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, thực hiện các phương án dự đoán để chủ động phòng ngừa rủi ro tranh chấp hiệu quả.

Hiện VIAC đang phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp ĐBSCL xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý, thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

-----

Bài 3: “Đòn bẩy” để thu hút FDI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>