Nâng tầm giá trị mãng cầu xiêm

04/03/2024 | 08:04 GMT+7

Cây mãng cầu xiêm đã bám rễ với vùng đất Hậu Giang, vươn cành và trở thành đặc sản với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Công nhân sản xuất trà mãng cầu túi lọc ở Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát.

Cây làm giàu

Nhắc đến cây trồng ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ nhiều người nghĩ ngay đến cây mãng cầu xiêm. Mấy chục năm qua, loại trái cây có nhiều gai nhọn nhưng lành tính này đã nâng đỡ kinh tế cho nhiều người dân địa phương.

Lớn lên từ vùng đất này, từng chứng kiến cảnh bà con quê mình khó khăn tìm đầu ra khi mãng cầu xiêm vào mùa chín rộ. Chị Lê Kim Phụng Em đã quyết tâm làm điều gì đó cho quê mình. Vậy là trái mãng cầu xiêm từ chỗ chỉ bán tươi, chị đã tìm hiểu thông tin và thử làm trà mãng cầu. Từ những mẻ trà đầu tiên được gia đình, bạn bè dùng thử thấy ngon, chị mạnh dạn mở rộng sản xuất, đặt thương hiệu rồi phát triển lên làm kinh tế. Hiện, cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát của chị Phụng Em đã có trong tay 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao gồm các sản phẩm trà mãng cầu và mứt mảng cầu mang thương hiệu Phụng Phát. Sản phẩm của đơn vị hiện được bán qua các sàn thương mại điện tử, các đại lý phân phối, cửa hàng truyền thống.

Chị Lê Kim Phụng Em cho biết: “Nhờ sự đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương mà đơn vị ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa thiết bị máy móc trong khâu chế biến. Đồng thời, đã giúp bà con nông dân ổn định được đầu ra của trái mãng cầu xiêm, góp phần giải quyết được việc làm cho nông dân địa phương và nâng cao giá trị cho nông sản quê nhà”.

Còn với bà Nguyễn Ánh Nguyệt, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, từ những trái mãng cầu nhà trồng, năm 2017, bà Nguyệt đã làm ra những mẻ trà mãng cầu đầu tiên bằng phương pháp thủ công. Sản phẩm được bà Nguyệt giới thiệu đến khách hàng thân quen và nhận lại nhiều phản hồi tích cực. Vậy là 3 năm sau đó, bà Nguyệt mạnh dạn phát triển trà mãng cầu sợi, trà mãng cầu túi lọc và đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ban đầu cơ sở của bà Nguyệt chủ yếu áp dụng phương pháp thủ công để chế biến, khi thị trường đón nhận, sản phẩm hút hàng, bà Nguyệt đầu tư các thiết bị, máy móc và áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất các sản phẩm của mình. Từ đó, sản phẩm làm ra chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp hơn.

“Trà mãng cầu sợi và trà mãng cầu túi lọc của đơn vị khi đạt OCOP sản phẩm dễ bán hơn, khách hàng tin tưởng hơn, chất lượng, bao bì mẫu mã cũng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Để có đủ nguồn nguyên liệu ngoài việc tự trồng, cơ sở còn bao tiêu với diện tích hơn 10ha mãng cầu xiêm”, bà Nguyệt phấn khởi chia sẻ.

Để nâng tầm giá trị, ngoài việc bán tươi thì chính việc sản xuất ra các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng từ trái và lá mãng cầu được người dân Hậu Giang quan tâm và mài mò thực hiện. Từ sản phẩm quê, mãng cầu Hậu Giang đã vươn xa và được thị trường đón nhận. Để cho ra 1kg trà thành phẩm cần khoảng 10kg trái tươi và qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Dù có cực hơn, tuy nhiên, trà để được lâu mà giá trị cũng cao gấp nhiều lần so với bán tươi nên bà con không ngại khó. Bên cạnh đó, mãng cầu cũng được làm mứt… Qua đó, giúp cho bà con nông dân trồng loại cây này có thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa.

Mãng cầu xiêm đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều nông dân trong tỉnh.

Nhiều tiềm năng

Ông Phùng Văn Rở, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết hiện hàng năm HTX tiêu thụ cho bà con khoảng 500 tấn trái mãng cầu xiêm. HTX hiện có 59 thành viên, với diện tích sản xuất 57ha đang cho trái. Riêng diện tích cây tơ dưới 1 năm tuổi là 7ha. Mãng cầu của HTX được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP với hơn 32ha. Giá bán sản phẩm cao hơn bên ngoài là 5.000 đồng/kg.

“Khi mới bắt tay vào làm kinh tế nông nghiệp thì nhà vườn còn khá bỡ ngỡ. Nhưng dần dần cũng quen, những tập quán sản xuất cũ đều được thay thế bằng những kỹ thuật sản xuất mới, như việc sử dụng phân thuốc phải có thời điểm chứ không phải theo quán tính như trước đây. Ngành chức năng, cũng như HTX thường xuyên hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Từ đó, giúp nhà vườn nắm vững kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích”, ông Phùng Văn Rở chia sẻ.

Thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 713ha trồng mãng cầu xiêm, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ. Sản lượng 2 tháng đầu năm nay ước được hơn 504 tấn, tăng hơn 17 tấn so với cùng kỳ. Mãng cầu xiêm là cây dễ trồng, tuy nhiên cũng sợ mặn, do vậy để giúp cây trồng này thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, mãng cầu xiêm được nông dân ghép trên gốc bình bát nên khả năng chịu phèn, mặn của cây rất tốt. Bình quân năng suất từ 4,5-5 tấn/công.

Định hướng phát triển, đến năm 2025 diện tích trồng 1.000ha, sản lượng đạt 10.000 tấn/năm. Ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương, hướng đến sản xuất hữu cơ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương cho 60ha. Phát triển thương hiệu “Mãng cầu của Hậu Giang”. Xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu công nghệ chế biến sâu để phát triển sản phẩm mãng cầu Hậu Giang.

Từ loại cây trồng ăn chơi có dư thì bán cho thương lái trong vùng, cây mãng cầu xiêm từ vùng đất Hậu Giang đã thích nghi tốt với đất, góp phần mạnh mẽ cải thiện đời sống của người dân địa phương, mở ra sự lựa chọn mới để chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, tạo tiền đề xây dựng vững mạnh thương hiệu mãng cầu Hậu Giang.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>