Xóm đũa Tân Long rộn ràng vào vụ tết

24/01/2024 | 10:42 GMT+7

Thời điểm này, người dân xóm đũa Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đang tất bật “chạy nước rút” để kịp số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Bà con xóm đũa bắt tay công việc từ sáng sớm đến khuya để kịp giao đơn hàng tết.

Tăng ca để kịp số lượng

Chúng tôi đến ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, khi trời vừa tắt nắng. Đường quê, không quen địa hình, nhưng không khó để tìm gặp những người thợ lành nghề của xóm đũa Tân Long. Từ xa, tiếng cưa tre, chẻ tre, vót đũa thu hút sự tò mò của mọi người. Từ xóm đũa này, hơn 40 năm qua, từ những khúc tre xiêm lóng dài, đặc ruột, bà con đã làm ra không biết bao nhiêu đôi đũa góp mặt trong bàn ăn của các gia đình. Những ngày tháng Chạp này, người xóm đũa vui vẻ hẳn lên vì đũa làm ra được bạn hàng đếm hết.

Được người dân địa phương giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của chị Võ Thị Kiều Khoa. Dưới ánh sáng của đèn điện, chị Khoa thành thạo mọi công đoạn để làm ra chiếc đũa. Chị kể, từ ngày có chồng về xóm này, thấy gia đình chồng và mọi người xung quanh làm đũa, chị cũng học làm theo. Bắt đầu với việc đầu chập chững cưa tre, chẻ tre rồi vót đũa, giờ chị đã là người thợ cứng nghề với 12 năm kinh nghiệm.

Chị Khoa bày tỏ: “Vô mùa Tết như bây giờ là sáng cỡ 4 giờ thức làm tới hơn 10 giờ đêm mới kịp giao. Làm nghề này cực lắm, nặng nữa. Mình cưa rồi quay lại chẻ, bào đủ thứ hết, mà đỡ có cái là biết làm nghề này mình khỏi đi làm mướn, khỏi ra mưa ra nắng. Ở đây làm quanh năm luôn, một ngày tôi bào được 1.000 đôi đũa”.

Theo lời chị Khoa, năm nay, gia đình chị phải huy động toàn bộ lực lượng để làm đũa. Tranh thủ trồng mía xong là quay qua làm đũa. “Năm rồi tới 30 tết còn làm mà đũa không đắt như năm nay. Năm rồi, chỉ mần có 10.000 đôi. Còn năm nay, một mình nhà chị phải cỡ 15.000 đôi mới đủ giao. Gia đình làm không kịp phải mướn thêm. 1.000 đôi rọc, bào, mứt đầu luôn là 220.000 đồng. Mình chẻ tre sẵn đem lại cho người ta làm”, chị Khoa chia sẻ.

Kể về xóm nghề, bà Liêu Thị Lài, một trong những người thợ đầu tiên của xóm nhớ lại: “Tôi làm năm nay cỡ 40 năm rồi. Cực là lúc đốn tre, mua tre cực chứ về nhà ngồi mần thì thoải mái, làm khi nào đau lưng thì nghỉ. Đốn tre một lần mấy trăm cây, kéo lên mần từ từ. Bây giờ lớn tuổi nên làm ít lại”.

Theo bà con xóm đũa, thông thường đũa phơi khô thì sẽ đếm cho mối, nhưng có khi mối tự đến lấy về phơi. Đũa ở Tân Long được phân làm 2 loại, nhất, nhì với giá bán khác nhau. Với giá bán hiện nay, thương lái đến tại nhà mua là khoảng 7.000 đồng/chục hoặc cao hơn, tùy loại 1 hay loại 2. Trừ hết chi phí, người làm có nguồn thu khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Đũa tre ở đây đã được thương lái đặt mua để mang đi tiêu thụ khắp nơi, như: An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ…

Giữ vững chất lượng

Điểm đặc biệt của đũa Tân Long đó là được làm hoàn toàn thủ công từ loại tre xiêm. Để có được chiếc đũa tròn đều, suôn phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người thợ. Nghề làm đũa có nhiều công đoạn nên ai làm cũng được, vì thế giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều bà con địa phương. Nhờ nghề làm đũa, bà con ở đây có đồng ra đồng vào, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.

Bà Nguyễn Thị Liễu, người thợ có thâm niên trong nghề, chia sẻ: “Tôi làm chắc cỡ trên 30 năm, tại giờ tôi 65 tuổi rồi. Tôi mần từ hồi 20 mấy tuổi tới giờ. Mấy ngày gần tết như thế này, làm ra bao nhiêu là bán hết”.

Một người thợ giỏi mỗi ngày có thể làm được từ 700-1.000 đôi đũa là chuyện bình thường. Nghề làm đũa có thể làm lai rai quanh năm, nhưng tết là mùa cao điểm nhất. Dẫu hút hàng, nhưng người làng nghề luôn quan niệm chất lượng là uy tín, do đó họ không chạy theo số lượng mà bán ra thị trường sản phẩm không đạt yêu cầu.

Chị Võ Thị Kiều Khoa kể tiếp: “Làm ra chiếc đũa có 5 công đoạn, cưa, chẻ, rọc, bào, mứt đầu, mình đem ra phơi nắng thành chiếc đũa mới bán được. Bào là khâu khó nên có nhiều người không biết”.

Để có được đôi đũa tre tốt và bền, bà con chọn nguyên liệu thật kỹ, phải tre già đúng tuổi xanh đen đậm không còn phấn trắng tại mắt, lựa được tre đực đũa càng chất lượng. Đũa loại 1, loại 2 thì bán đúng giá cho khách hàng. Có lẽ vì vậy mà sau những thăng trầm, đũa tre Phụng Sơn B lại có mặt nhiều hơn trên thương trường và được người tiêu dùng quay lại sử dụng và cứ tết là hút hàng. Chiếc đũa đặc, tròn đều, phơi đủ nắng, xài càng lâu càng lên nước bóng đẹp.

Một mùa xuân nữa lại về mang theo nhiều ước vọng mới, người xóm đũa cũng không ngơi tay vì đắt hàng, nhưng với họ cực mà vui bởi họ đang giữ lửa nghề của cha ông và hơn hết, sự tin yêu của người tiêu dùng chính là thước đo cho những nỗ lực “vót tre thành đũa” mấy chục năm qua.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>