Nở rộ phong trào bảo vệ môi trường ở khu dân cư

25/10/2018 | 09:11 GMT+7

Gọi là nở rộ bởi phong trào này đã và đang nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

“Kết quả đạt được thời gian qua rất đáng ghi nhận. Điều tôi tâm đắc nhất là nhiều gia đình đã biết xây dựng cảnh quan, môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp. Mỗi hộ có ý thức như vậy sẽ giúp khu dân cư nơi mình sinh sống được sạch, thoáng. Điều này còn góp phần thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp 25/54 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu nông thôn mới đến thời điểm này”, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ.

Việc tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Phát huy vai trò của cáctôn giáo bảo vệ môi trường

Xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp có khoảng 1.500 hộ đồng bào Công giáo với trên 3.200 tín đồ. Thời gian qua, Hội đồng Giáo xứ họ đạo Phụng Tường, xã Phụng Hiệp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đến từng gia đình tuyên truyền tác hại của rác và hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải đúng quy định.

Nhờ vậy, giúp nâng cao nhận thức của đồng bào về bảo vệ môi trường. Từ nhận thức đó, giáo dân đã có hành động đẹp trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, nước sạch trong sinh hoạt và cảnh quan sạch đẹp ở mỗi gia đình, trong khuôn viên cơ sở thờ tự, trong cộng đồng dân cư.

Trên tuyến đường Đất thánh hơn 1km với 60 hộ dân sinh sống, trong đó có 40 hộ Công giáo, sau khi được tuyên truyền, bà con đã thấy được việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm.

Chị Phạm Thị Thu Oanh, thuộc họ đạo Phụng Tường, nói: “Ở nhà thờ, mỗi tuần đi lễ, cha đều tuyên truyền cho chúng tôi về bảo vệ môi trường, rồi chính quyền địa phương cũng đến nhà phổ biến. Qua đó, tôi đã ý thức phân loại rác nào để đốt, rác nào giữ lại ủ làm phân”.

Toàn họ đạo Phụng Tường có hơn 100 lò đốt rác mini (chi phí 120.000 đồng/lò) do giáo dân tự trang bị, mang lại hiệu quả cao trong giải quyết rác thải nông thôn.

Không chỉ vậy, đồng bào Công giáo nơi đây còn rất tích cực tham gia các phong trào xây dựng giao thông nông thôn, từng bước làm cho bộ mặt của xã nhà thêm khang trang. Đặc biệt là quan tâm giúp đỡ giáo dân nghèo tiếp cận cách làm ăn mới, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cách đây 3 năm, hộ giáo dân Nguyễn Văn Bạc, ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, thuộc diện nghèo. Được họ đạo Phụng Tường giới thiệu mô hình nuôi bồ câu kết hợp nuôi cá, ông mạnh dạn vay hơn 7 triệu đồng để xây dựng mô hình. Nhờ chí thú làm ăn mà hiện giáo dân Nguyễn Văn Bạc thoát nghèo, thậm chí mỗi năm mô hình của ông còn cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

“Được Cha xứ và Hội đồng giáo xứ nhà thờ Phụng Tường quan tâm, giới thiệu mô hình làm ăn mới nên hiện kinh tế gia đình tôi rất vững”, ông Bạc chia sẻ.

Từ năm 2013 đến nay, họ đạo Phụng Tường ghi nhận gần 50 hộ vươn lên thoát nghèo, riêng năm 2017 giảm hơn 10 hộ. Đến nay, trong đồng bào Công giáo xã Phụng Hiệp chỉ còn 35 hộ nghèo.

Không chỉ ở họ đạo Phụng Tường, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp gắn với giảm nghèo bền vững. Đó chính là kết quả từ Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” do UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động thời gian qua.

Từ hội thi này, 100% tổ chức tôn giáo có thông điệp và cam kết thực hiện chương trình “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”; hơn 90% chức sắc, chức việc và hơn 70% tín đồ các tôn giáo đã nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Thông qua hội thi, đến nay, các tôn giáo trong tỉnh đã đăng ký hỗ trợ 150 hộ thoát nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Kết quả, hỗ trợ xây dựng 96 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 4,8 tỉ đồng và 169.232 phần quà, trị giá hơn 54,6 tỉ đồng.

Có thể nói, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã thành công trong việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và phong trào này đang phát triển rộng khắp tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.

Chẳng hạn như ở xã Tân Tiến, xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) và xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A) thường xuyên vận động người dân vớt rác, lục bình trên kênh/sông; các mô hình: “Tổ, nhóm thu gom, xử lý rác thải”, “Tuyến phố không rác thải”… xuất hiện ngày càng nhiều.

Từ những kết quả trên cho thấy, Hậu Giang đã thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật trong tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường.

Trong điều kiện kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, thì tỉnh đã vận dụng giải pháp gì để đạt được kết quả như vậy?

Người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng có ý thức xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, giải pháp chủ yếu là làm tốt công tác tuyên truyền.

Cụ thể, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức thành viên tổ chức triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Việc tuyên truyền trong tín đồ các tôn giáo cũng có cách làm đặc biệt.

Theo đó, tranh thủ các buổi sinh hoạt tôn giáo, cán bộ mặt trận ở cơ sở tham gia tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Từ đó, nâng dần nhận thức của giáo dân. Mặt trận các cấp còn vận động giáo dân góp sức thực hiện, hướng dẫn mô hình, cách làm sao cho phù hợp ở từng khu dân cư.

Nhờ thực hiện tốt cả 3 yếu tố: tuyên truyền - vận động - hướng dẫn, nên tỉnh đã triển khai được nhiều hoạt động mang hiệu quả thiết thực.

Sáu tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã chọn 8 khu dân cư điểm trên địa bàn 8 huyện, thị, thành cho hộ dân đăng ký tham gia thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường; chọn 2 khu dân cư tại xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) và xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) để xây dựng mô hình điểm khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tổng kinh phí gần 40 triệu đồng.

Cùng với đó, đã hướng dẫn triển khai các hoạt động thiết thực thể hiện hành động bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, như: làm vệ sinh trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng; trồng cây phủ xanh đất trống, cây phân tán ở khu dân cư; thực hiện cam kết chống lãng phí và rác thải thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được Mặt trận các cấp phối hợp triển khai thực hiện mang lại hiệu quả đáng trân trọng.

Điển hình như mô hình “Đội tình nguyện thu gom rác” trên tuyến đường lớn, tuyến đường trung tâm tại các huyện. Mặt trận còn vận động Nhân dân dọn dẹp, phun thuốc diệt cỏ, lục bình trên các kênh dọc theo tuyến đường khai thông dòng chảy, giải quyết nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Rất khó để có thể kể hết kết quả mà tỉnh đạt được trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường, trong đó, Mặt trận các cấp có nhiều đóng góp nổi bật. Đây sẽ là tiền đề, nền tảng để tỉnh thực hiện đạt kết quả cao hơn nữa công tác này thời gian tới.

Ông Huỳnh Hữu Kế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh:

- “Chúng tôi đã nỗ lực chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường diễn ra tại Hậu Giang trong 2 ngày 24 và 25-10. Nhất là chuẩn bị về tài liệu, phương tiện đi lại, công tác khánh tiết, địa điểm tham quan thực tế… Từ nỗ lực ấy, chúng tôi mong muốn hội nghị sẽ diễn ra thành công tốt đẹp”.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>