“Đền ơn đáp nghĩa” bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm !

31/12/2023 | 14:28 GMT+7

20 năm qua, Hậu Giang thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với những việc làm đầy trách nhiệm, nghĩa tình, để ngày qua ngày vết thương chiến tranh được hàn gắn, nỗi đau ngày một vơi đi.

Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được tỉnh ưu tiên.

Nghĩa tình với gia đình chính sách, người có công

Trong căn nhà tình nghĩa, bà Huỳnh Thị Thạch, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, xúc động chia sẻ: “Trong chiến tranh, cha tôi tham gia chiến đấu, bị địch bắt tù đày, hy sinh. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã quan tâm, chăm lo cho gia đình rất đầy đủ. Thấy chúng tôi gặp khó khăn về nhà ở, mọi người đã hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa này. Mang ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nhiều lắm”.

Bà Thạch là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mỗi ngày bà đi bán khoai mì, xôi, bắp để mưu sinh. Mong ước của bà là có thể cất lại căn nhà để có nơi thờ phụng liệt sĩ được đàng hoàng. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà Thạch, thông qua “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, địa phương đã hỗ trợ gia đình cất lại căn nhà. Bà Thạch bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho tôi cất được căn nhà tình nghĩa vững chắc. Căn nhà không chỉ là nơi thờ cúng liệt sĩ mà là động lực để chúng tôi cố gắng làm ăn, ổn định cuộc sống”.

Còn ông Võ Văn Đăng, ở ấp Tân Phú A1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cũng rất phấn khởi khi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. Ông Đăng kể: Cha và một người anh, một người em của ông đều là liệt sĩ, còn mẹ của ông được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, bản thân ông khi còn trẻ cũng tích cực tham gia cách mạng, sau kháng chiến được công nhận thương binh 1/4.

Tri ân trước những đóng góp của gia đình và để chăm lo nhà ở cho người có công, năm 1997, ông được tặng nhà tình nghĩa. Qua nhiều năm căn nhà hư hỏng, trong khi vợ chồng ông đã lớn tuổi, không có khả năng cất lại. Năm 2023, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa hỗ trợ gia đình căn nhà tình nghĩa. Ông Đăng cho biết: “Cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, kể cả hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, bây giờ tôi có cuộc sống ổn định. Trân quý biết bao tình cảm này”.

Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, lúc mới thành lập, tỉnh Hậu Giang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng trong 2 năm đầu, Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ đột phá là xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công. Mỗi căn nhà hoàn thành thấm đậm nghĩa tình của các cấp, chính quyền, doanh nghiệp.

Theo thống kê, từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang đã xây dựng, bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, tổng kinh phí trên 321,7 tỉ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa gần 138,3 tỉ đồng.

98,7% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình

Không chỉ chăm lo về nhà ở, ngành lao động - thương binh và xã hội và các địa phương thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ dành cho người có công với cách mạng, luôn quan tâm, hỗ trợ, để gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Ngoan, thương binh ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, chính thức thoát cận nghèo năm 2023. Ông Ngoan cho biết: “Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi đã được giúp đỡ về nhiều mặt, đời sống từng bước được cải thiện và thoát cận nghèo”. Để giúp gia đình phát triển kinh tế bền vững, UBND xã Đông Phước A còn hỗ trợ ông Ngoan 200 cây chanh không hạt, 200 cây mít và 3 con dê, thực hiện mô hình trồng trọt và chăn nuôi.

Toàn tỉnh có trên 36.200 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có trên 12.500 liệt sĩ, 5.740 thương binh quên mình vì độc lập, tự do dân tộc, có 2.042 Mẹ Việt Nam anh hùng, 23 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Tri ân những cống hiến to lớn của các gia đình, những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được Đảng bộ tỉnh xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và là nghĩa tình đối với các gia đình. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và Tết Nguyên đán, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức đoàn thăm hỏi và tặng quà đến người có công với cách mạng. Từ năm 2004 đến nay đã trao tặng trên 1 triệu phần quà đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu, neo đơn; thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia.

Cuộc sống gia đình chính sách ngày càng ổn định là hành trình nỗ lực suốt 20 năm qua của Đảng bộ Hậu Giang. Đến nay, có 98,7% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa mà cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện từ tỉnh đến cơ sở mang nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Với tình cảm và trách nhiệm, tỉnh đã nỗ lực và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Các chế độ dành cho các gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều căn nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời… Đời sống gia đình chính sách ngày càng được nâng lên”.

Những nỗ lực của Hậu Giang suốt 20 năm qua tiếp tục lan tỏa, tô đậm truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Đã bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa, trao tặng trên 1 triệu phần quà đến gia đình chính sách, người có công

 

Toàn tỉnh có trên 36.200 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.042 Mẹ Việt Nam anh hùng, 23 Anh hùng lực lượng vũ trang, trên 5.700 thương binh, hơn 12.500 liệt sĩ, trên 7.300 người có công với cách mạng… Từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang đã xây dựng, bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa; trao tặng trên 1 triệu phần quà đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu, neo đơn; thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>