Sức sống công nghiệp

31/12/2023 | 14:54 GMT+7

Được coi là tỉnh nghèo, nhưng với tầm nhìn chiến lược, phát huy nội lực, biến những hạn chế thành lợi thế cạnh tranh, qua 20 năm, công nghiệp Hậu Giang từng bước “trưởng thành” và đã tạo dấu ấn riêng cho mình.

Chứng kiến sự trưởng thành của lĩnh vực công nghiệp, VIMC Hậu Giang tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ không thành có

Năm 2004, sau khi “ra riêng” từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang chỉ có một cụm công nghiệp được thành lập. Trình độ công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp vẫn còn lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, lực lượng lao động còn thiếu, kết cấu hạ tầng chưa được đồng bộ.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hậu Giang phải đối mặt với bộn bề thử thách. Là tỉnh thuần nông nên tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 45,6% trong cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm với quy mô nhỏ. Thời điểm đó, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh chỉ có vài công ty nằm xen kẽ với nhà dân. Sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu định hướng và chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, người dân xung quanh có mức thu nhập thấp, khó khăn trong cuộc sống. Lúc này, cụm từ “công nhân” còn khá xa lạ với những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”.

Sau 20 năm thành lập tỉnh, từ một tỉnh còn non trẻ, Hậu Giang đã và đang phát triển, khẳng định vị thế của mình. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tăng 12,27%, tiếp tục dẫn đầu khu vực ĐBSCL và xếp thứ 2 cả nước, trong đó khu vực II tăng 28,32%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Cùng với đó, Hậu Giang xác định phát triển công nghiệp và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (KCCN) là hướng đi chính để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một vùng đất lúa, Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 492ha, với tỷ lệ lấp đầy hơn 93%, thu hút 63 dự án, trong đó có 45 dự án đã đi vào hoạt động, với vốn đầu tư khoảng 26.993 tỉ đồng và 227 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 26.580 lao động. Ngoài ra, tỉnh còn có 7 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 486,55ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%, thu hút 52 dự án, trong đó 32 dự án đã đi vào hoạt động, với vốn đầu tư hơn 18.930 tỉ đồng và 390 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 7.900 lao động.

Điểm đến lý tưởng của các “ông lớn”

Có lợi thế tiếp giáp với thành phố Cần Thơ và nằm gần với vùng nguyên liệu nông, thủy sản; là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu, Hậu Giang đang là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không có cơ hội nào tự nhiên mà có và Hậu Giang cũng không thể ngồi đó chờ đợi nhà đầu tư tự tìm đến. Điều quan trọng là tỉnh phải tự mình tạo điều kiện, mời gọi đối tác và xây dựng cơ sở để phát triển. Tuy nhiên, khởi đầu không dễ dàng khi cả kết cấu hạ tầng và kỹ năng quản lý của Hậu Giang còn non yếu. Dù ban đầu chỉ có 475 doanh nghiệp hoạt động và thiếu cụm công nghiệp, nhưng với sự quyết tâm, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, vừa lo phần cứng (công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng), vừa làm phần mềm (cơ chế chính sách), đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư kinh doanh thông thoáng…

Nhờ vậy, đến nay Hậu Giang đã có 2 KCN và 7 CCN tập trung, với tổng diện tích hơn 1.200ha. Con số doanh nghiệp tăng lên đáng kể và có 4.237 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể, Hậu Giang đang chứng minh sức mạnh và đa dạng của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), cho biết: “Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Hậu. Thời điểm đó, quả thật là một sự mạo hiểm, vì khu này hầu như chưa có một nền tảng để hấp dẫn doanh nghiệp như đường đi không có, đất sạch cũng không. Nhưng nhờ vào tinh thần quyết tâm và sự cởi mở trong chính sách thu hút đầu tư đã tạo cho công ty chúng tôi niềm tin vượt khó để hoàn thành dự án. Chúng tôi luôn tự hào vì đã dừng chân tại mảnh đất này với tư cách là một doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 12-2023, VIMC Hậu Giang đã chạm mốc với việc xếp dỡ tấn hàng thứ 1 triệu, đánh dấu sự phát triển ấn tượng trong 16 năm có mặt tại Hậu Giang, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, cho biết: “Môi trường đầu tư của tỉnh Hậu Giang được cải thiện rất rõ rệt, từ khâu thủ tục cho đến sự tương tác, hỗ trợ của các sở, ban, ngành đến từng doanh nghiệp, đơn vị. Đó là nguồn động lực lớn để chúng tôi quyết định tiếp tục đầu tư tại tỉnh”.

Masan đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh để triển khai dự án Trung tâm Thực phẩm Masan Miền Tây. Phần giai đoạn 1 của dự án đã được Masan đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, bao gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 2.700 tỉ đồng, dự kiến đạt doanh thu 7.400 tỉ đồng.

Ngoài ra, Masan cũng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho giai đoạn 2 của Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Tây tại KCN Sông Hậu, huyện Châu Thành. Giai đoạn này có tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, quy mô tối thiểu 40ha và bao gồm 4 phân khu sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống có giá trị cao. Dự án tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và các vùng lân cận, hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế và phát triển cho cả khu vực.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã gửi thư quan tâm, đăng ký đầu tư lĩnh vực hạ tầng KCN tại Hậu Giang, có thể kể đến như: Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Shinec, Liên danh SPG - Hiệp Phước - 620IDIC - VietNaminest, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings, Công ty Cổ phần Địa ốc Stavian…

“Đây là những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có năng lực tài chính và đã có kinh nghiệm đầu tư hạ tầng KCN trên cả nước. Vì vậy, khả năng triển khai dự án và thu hút đầu tư trong thời gian tới sẽ thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh kỳ vọng.

Để thu hút được nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và tương lai, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thì tỉnh luôn thực hiện theo phương châm “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.

Song song đó, thực hiện mô hình chính quyền điện tử, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp; giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư xuống dưới 50% so với quy định; hệ thống chính trị trong tỉnh cam kết đồng hành cùng với doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động đầu tư tại địa phương, với quan điểm xuyên suốt “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

Công nghiệp phát triển, lực lượng lao động có việc làm ổn định ngay tại địa phương.

Vững vàng tiến lên

Trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.233ha. Nhiệm vụ đặt ra là tập trung đầu tư hạ tầng KCN; Xây dựng KCN với hạ tầng đồng bộ, KCN xanh đảm bảo môi trường, tạo ra giá trị bền vững, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động nông thôn tại địa phương.

Quy hoạch được phân ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2021-2025 tiến hành quy hoạch 4 KCN, với diện tích 784ha; xây dựng khu dân cư, khu tái định cư, khu dân cư thương mại và khu nhà xã hội; tạo ra sự phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2 quy hoạch 4 KCN, với diện tích còn lại trong 1.449ha.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, để các KCN thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết nguồn lực lao động nông thôn di cư, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống các KCN theo hướng liên hoàn, đồng bộ về cơ chế chính sách, hạn chế tình trạng hình thành các cụm công nghiệp nhỏ lẻ gây lãng phí, thiếu các công trình phụ trợ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2050, xây dựng Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000 USD/người/năm, đạt ngưỡng các nước thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. Quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người, tương đương tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 1%/năm.

Có thể nói, chặng đường 20 năm của ngành công nghiệp của Hậu Giang thời gian qua có sự phát triển vượt bậc, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, được xem là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Chào đón tuổi mới, kỳ vọng công nghiệp Hậu Giang tiếp tục bứt phá, khẳng định chỗ đứng trong nền kinh tế tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>