Thi đua góp phần làm nên “sắc vóc” Hậu Giang

31/12/2023 | 14:17 GMT+7

Thành tựu phát triển đáng ghi nhận trong chặng đường 20 năm thành lập tỉnh không thể phủ nhận vai trò đóng góp tích cực từ các phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai, thực hiện hiệu quả hàng năm.

Thông qua phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã góp phần giúp bộ mặt nông thôn Hậu Giang không ngừng khởi sắc.

Với tinh thần đổi mới, đột phát, quyết tâm và khát vọng xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của tỉnh luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Từ đó, việc phát động và triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, nhằm tạo động lực xây dựng quê hương Hậu Giang phát triển.

Hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng thông suốt

Do địa bàn rộng, nên bên cạnh thực hiện theo lộ trình hàng năm, huyện Phụng Hiệp còn tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, để vừa phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa cho người dân, vừa đảm bảo cho quá trình phát triển của địa phương. Đặc biệt là qua phát động thi đua thực hiện Chiến dịch giao thông - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn (chiến dịch) hàng năm, huyện đầu tư xây mới và nâng cấp, mở rộng hàng chục kilomet lộ nông thôn.

Kết quả thống kê cho thấy, qua 5 năm thi đua thực hiện chiến dịch, huyện Phụng Hiệp xây mới và nâng cấp mở rộng trên 200km lộ, hơn 170 cây cầu giao thông nông thôn, tổng vốn thực hiện hơn 210 tỉ đồng. Trong đó, huyện vận động Nhân dân, các doanh nghiệp và mạnh thường quân gần 100 tỉ đồng. Từ cách làm này, đến nay, huyện có gần 90% các tuyến đường trên địa bàn được cứng hóa, bê tông hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn rõ nét.

Ban Chỉ huy Chiến dịch huyện Châu Thành A thông tin, năm 2023, chiến dịch tiếp tục tạo khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích không chỉ trong cơ quan, đơn vị mà còn lan tỏa ra toàn thể nhân dân qua việc tích cực đóng góp sức người, sức của to lớn trong quá trình thực hiện. Qua thống kê, tổng kinh phí thực hiện Chiến dịch năm 2023 của huyện hơn 118,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 22,45 tỉ đồng, Nhân dân đóng góp 87,85 tỉ đồng, còn lại huy động nguồn lực xã hội 8,115 tỉ đồng.

Nhờ vậy, trong chiến dịch 2023, huyện Châu Thành A thực hiện 11 mô hình mới đề nghị tỉnh công nhận, tổng kinh phí thực hiện các mô hình mới này hơn 6,5 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đáng ghi nhận là, ngoài thực hiện từ việc huy động tốt sức dân, mỗi công trình thuộc các mô hình mới năm 2023 của huyện còn đảm bảo mỹ quan, thiết thực với đời sống, nên sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đều góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Theo Ban Chỉ huy Chiến dịch tỉnh, chính sự đồng tình ủng hộ của người dân hiến đất, hoa màu và ngày công lao động trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã góp phần làm nên thành tích trong phát triển kết cấu hạ tầng chung của tỉnh. Qua thống kê từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7.918,7km. Trong đó, đường làm mới 4.941,3km; nâng cấp, mở rộng 669,7km; duy tu, sửa chữa 2.306,7km.

Riêng phần cầu xây dựng mới 3.849 cây, với tổng chiều dài 80.593m; nâng cấp, mở rộng 309 cây, với tổng chiều dài 8.508m; phần lớn là xây dựng mặt cầu có bề rộng trung bình từ 3m trở lên. Ước tính, tổng nguồn kinh phí thực hiện cầu, đường nông thôn trong chiến dịch từ 2004 đến nay, gần 6.045 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 3.843,3 tỉ đồng, chiếm 63,6%; Nhân dân đóng góp và huy động nguồn lực xã hội 2.201,6 tỉ đồng, chiếm 36,4%.

Bộ mặt nông thôn tỉnh nhà không ngừng khởi sắc

Cũng theo Ban Chỉ huy Chiến dịch tỉnh, xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải đi trước trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn, nhất là các ấp, khu vực vùng sâu. Vậy nên, các địa phương luôn xem phong trào thi đua chiến dịch là cuộc vận động lớn, toàn diện với sự tham gia của người dân trong việc duy tu, sửa chữa, đầu tư mới giao thông, thủy lợi, môi trường nông thôn; tạo cơ sở, tập trung cao điểm để chỉ đạo chiến dịch đạt kết quả cao nhất.

Trên tinh thần đó, trong những năm qua, tỉnh thực hiện các công trình trong chiến dịch theo hướng đáp ứng các tiêu chí xã nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông. Vì vậy, tỉnh quan tâm xây dựng cầu, đường có quy mô, kết cấu bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên, có tải trọng 5 tấn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của địa phương, góp phần tích cực vào phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

 Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã công nhận 20/51 xã, đạt 39,20% đạt tiêu chí số 2 theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021- 2025; công nhận 13/51 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 25,5%; công nhận 2/51 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đạt 3,9%. Đồng thời, công nhận 4 ấp đạt tiêu chí 1 “Đường giao thông” Khu dân cư (ấp) nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2023.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đánh giá, trong năm 2023, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là nhờ phong trào này được triển khai rộng khắp, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và được sự đón nhận mạnh mẽ của toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp “chung sức đồng lòng” cùng chính quyền xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.

Tính đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh là 39/51 xã (chiếm 76,47%); 8/39 xã nông thôn mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 20,51%); tỉnh công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 46,62% chỉ tiêu Trung ương giao trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Vị Thanh, Ngã Bảy và huyện Châu Thành A.

Kết quả nêu trên là minh chứng rõ nét nhất cho những chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp của các cấp ủy, chính quyền đã được toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay, hưởng ứng thực hiện. Nhờ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, cũng như phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.

Khẳng định tầm quan trọng của thi đua yêu nước

Bên cạnh tích cực thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm, tỉnh luôn chủ động phát động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Đáng ghi nhận là, các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và được sự đón nhận mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Đơn cử trong năm qua, tỉnh phát động phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh (01/01/2004 - 01/01/2024). Phong trào đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức, tập trung làm nổi bật thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh sau 20 năm thành lập.

Khép lại năm 2023, khởi đầu năm 2024, năm đánh dấu bước ngoặt Hậu Giang tròn 20 tuổi, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12,27%, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ hai cả nước. Qua đó, góp phần tô điểm thêm hình hài, sắc vóc của Hậu Giang hôm nay, từ một tỉnh thuần nông, khó khăn về mọi mặt ngày nào, đang khoác lên mình “chiếc áo mới” đầy kêu hãnh, với kết quả đổi thay ấn tượng sau hai thập niên thành lập.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ, vượt 6,41% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,04%/năm, vượt 0,04% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 833 triệu USD, vượt 6,73% kế hoạch… Đây là một trong những nét nổi bật góp phần đưa Hậu Giang bứt phá tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững.

Góp phần quan trọng vào thành tích chung đó là nhờ các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, giúp cổ vũ, động viên toàn thể nhân dân phát huy tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục mọi khó khăn, thử thách. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

“Thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các chiến sĩ, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt việc học tập và làm theo gương Bác, nhất là trong phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của từng tập thể, cá nhân”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, mong muốn.

Thật khó có thể đánh giá hết hiệu quả từ các phong trào thi đua mang lại đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong suốt 20 năm qua, nhưng không thể phủ nhận rằng, bằng việc tập trung đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện hàng năm, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững, giúp tỉnh nhà chuyển mình mạnh mẽ như hôm nay...

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>