Vui mừng trước sự phát triển của tỉnh nhà

31/12/2023 | 14:56 GMT+7

Nhiều người ở xa khi có dịp về Hậu Giang đều tấm tắc khen tỉnh trẻ bây giờ phát triển quá. Ít ai ngờ một tỉnh với xuất phát điểm rất thấp, đối mặt với nhiều khó khăn lại có thể phát triển mạnh mẽ, toàn diện như hiện nay.

Ảnh: LÝ ANH LAM

Diện mạo thay đổi, đời sống người dân nâng lên

Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, ông Lê Hồng Nghĩa, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, biết tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập. “Các hoạt động, sự kiện được tổ chức quy mô lớn, trong đó có cả sự kiện mang tầm quốc tế. Thấy tự hào lắm chứ. Đây là cơ hội để tỉnh mình giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thành tựu phát triển đến bè bạn trong và ngoài nước”, ông Nghĩa chia sẻ.

Điều ông Nghĩa ấn tượng là bên dòng Xà No, những đô thị mới sầm uất mọc lên làm thay đổi diện mạo của một vùng quê ngày nào. Đường sá được rộng mở từ thành thị đến nông thôn, nhiều xã vùng sâu trở thành nông thôn mới, các khu công nghiệp ngày càng nhiều, rồi những vườn cây trĩu quả, cánh đồng lúa, khóm trải dài mang lại những “quả ngọt” cho người nông dân.

“Phường IV quê tôi cũng thay đổi không ngừng. Thời điểm năm 2004, đường sá chưa phát triển, đường đất đi lại rất khó khăn. Giờ đây, phần lớn các tuyến đường trên địa bàn đã được bê tông hóa rộng rãi, phẳng phiu. Con em chúng tôi được đi học trong những ngôi trường mới; khi bị bệnh thì được chăm sóc sức khỏe. Còn về điện, không chỉ kéo điện sử dụng trong các hộ gia đình, mà trên nhiều tuyến đường đã có điện thắp sáng rực. Cách đây 20 năm, chúng tôi không nghĩ địa phương mình sẽ phát triển được như ngày nay”, ông Nghĩa nói thêm.

Niềm vui của ông Lê Văn Trắng, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, là thấy quê hương mình được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2022. Theo ông Trắng, lợi ích rõ nhất nhờ xây dựng nông thôn mới là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo của xã thay đổi không ngừng, lộ làng giao thông và các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng.

Thời điểm được công nhận, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Vĩnh Thuận Tây chiếm 1,27%; 7/7 ấp giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền; 3/4 điểm trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,02%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 96,24%; hệ thống giao thông, thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, với 25,6km bê tông hóa, nhựa hóa, 5,2km đường trục chính nội đồng được cứng hóa; có 145 mô hình phát triển sản xuất đạt từ 50-100 triệu đồng/ha/năm và 40 mô hình trên 100 triệu đồng/ha/năm...

Không chỉ ở quê mình, ông Trắng biết được phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên địa bàn tỉnh, đặc biệt nhiều xã được công nhận danh hiệu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh nhà trở thành điểm sáng của vùng ĐBSCL trong công tác này.

Giống như nhiều hộ khác, gia đình ông Trắng có những việc làm cụ thể, thiết thực để xây dựng quê hương phát triển. Bên cạnh việc cần cù, chịu khó làm ăn để nâng cao cuộc sống, gia đình ông Trắng còn quan tâm xây dựng cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp, góp phần làm cho làng quê ngày càng khang trang, đổi mới.

“Theo tôi, Hậu Giang phát triển như ngày hôm nay là nhờ toàn tỉnh có một đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn biết giữ sự đoàn kết nội bộ, biết xem yêu cầu của Nhân dân là trách nhiệm của mình và hết lòng chăm lo đời sống nhân dân có điều kiện tốt hơn”, ông Lê Văn Trắng đánh giá.

Còn gia đình bà Trần Thị Phượng, ở ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, là hộ thoát được nghèo. Từng làm ăn thất bát, lỗ vốn; người chồng bị bệnh mất cách đây nhiều năm - là các biến cố xảy đến khiến cuộc sống của gia đình bà Phượng luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau.

Giúp đỡ cho gia đình này, chính quyền địa phương hỗ trợ 3 con dê để làm phương kế thoát nghèo. Từ 3 con dê ban đầu, đến nay, đàn dê của bà Phượng có gần chục con. Chưa kể, gia đình này còn nuôi thêm gà. Họ có được nguồn thu kha khá từ việc bán dê, bán gà hàng năm. Mấy đứa con của bà Phượng đã khôn lớn, có việc làm. Nhờ thu nhập ổn định nên gia đình bà đã thoát nghèo vào năm 2022, cất được căn nhà khang trang cách đây gần 2 năm.

“Điều tôi vui nhất là cất được căn nhà mới thay cho căn nhà cũ xuống cấp. Giờ có chỗ ở đàng hoàng, thu nhập của gia đình tôi cũng khá ổn định, cuộc sống tốt hơn nhiều so với trước”, bà Phượng bộc bạch. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sau bao năm cố gắng, giờ đây, cuộc sống gia đình bà Phượng đã bước sang trang mới, nghèo khó đã qua đi, thay vào đó là sự ổn định, sung túc.

Nếu năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh gần 24%, thì đến cuối năm 2022, hộ nghèo giảm xuống còn 4,84%; đến cuối năm 2023, tỉnh giảm thêm 1,04% hộ nghèo. Nếu như thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2005 là 6,6 triệu đồng thì cuối năm 2023 đã tăng lên hơn 80 triệu đồng. Những con số này cho thấy đời sống người dân trên địa bàn tỉnh đã nâng lên thấy rõ sau 20 năm. Rõ ràng, chất lượng đời sống của người dân được nâng lên tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh xác định công nghiệp là một trong bốn trụ cột phát triển.

Biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả

Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp khi mới thành lập vào năm 2004, đến nay, Hậu Giang có sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hậu Giang là điểm sáng phát triển của khu vực và cả nước. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 12,27%, dẫn đầu vùng ĐBSCL, xếp thứ hai cả nước. Có được thành quả này là nhờ tỉnh tranh thủ hiệu quả sự quan tâm, đầu tư của Trung ương; sự quyết tâm, nỗ lực của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ và có được sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.   

Hiện tại, Hậu Giang đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, khi sắp có 100km đường cao tốc đi qua địa bàn, nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đất công nghiệp đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Long An. Đến năm 2030, Hậu Giang được 2.200ha và vừa qua tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 khu công nghiệp mới, nâng lên 4 khu và 7 cụm công nghiệp.

Sự kiện đáng chú ý mới đây là tỉnh tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, nếu đạt mức tăng trưởng liên tục từ nay đến năm 2030 là 8,7% thì Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh khá nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long và tiến tới của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho biết, để hiện thực hóa quy hoạch, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh, tỉnh sẽ bám sát Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, anh ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1588 ngày 8-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh giữ vững phương châm hành động: “Đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất.

Tập trung phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Thuận thiên trên cơ sở chủ động thích ứng, kiểm soát. Tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Bên cạnh đó, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ. Quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số; kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ngành, nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.

“Biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên”, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>