Bước tiến nông sản an toàn

08/02/2018 | 08:54 GMT+7

Năm 2017, Hậu Giang thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Bước đầu tạo được chuyển biến rõ nét trong sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng.

Năm 2017 được xem là “cột mốc” đánh dấu bước chuyển rõ nét trong nhận thức của người tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nhiều kỳ vọng

Tờ mờ sáng, chúng tôi tranh thủ vào cho kịp giờ thu hoạch những chuyến hàng của nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn. Thoáng xa, dáng dấp lão nông Trương Văn Hồng, ở khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh, cùng vài nông dân đang tranh thủ thu hoạch rau, bắp cải cân cho các đầu mối. Ông Hồng là một trong những nông dân gắn bó lâu nhất với chuỗi sản xuất rau an toàn. Cạnh chân ông là những luống bắp cải xanh um, thẳng tắp.

Thấy tôi, ông Hồng mừng rỡ gọi và tự hào khoe liền sản phẩm vừa thu hoạch: “Cháu thấy không! Mấy liếp rau muống ngày trước đã đến ngày thu hoạch. Xuân này, bác chuyển sang trồng hẳn bắp cải trắng. Vừa bán được giá, lại không đụng hàng với anh em trong chuỗi. Thấy vậy chứ có tiền lắm, trên dưới 30.000 đồng/kg. Ăn tết xong, bác sẽ qua Vĩnh Long kiếm một ít xà lách xoong giống về trồng. Loại đó ở chợ mình hút hàng lắm. Thị trường chuộng rau gì bác trồng loại đó, hàng hóa trong chuỗi mình đa dạng sẽ dễ bán hơn”.

Lúc này, mặt trời đã ló dạng, ông Hồng tranh thủ thời gian giao bắp cải cho khách hàng. Buổi sáng đầu xuân rộn ràng tiếng nói cười giòn giã, từng dòng người chen chúc bên khu chợ đầu mối nông sản thành phố Vị Thanh. Không khí mua sắm tại cửa hàng chuỗi thực phẩm Phúc Lộc, ở phường III khá xôm tụ. Trên kệ, nhiều mặt hàng rau quả được sắp xếp, bảo quản ngăn nắp. Các mặt hàng được dán tem nhãn rõ ràng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.

Với tay lấy mớ rau trên kệ, chị Nguyễn Thị Nguyên, ở phường V, thành phố Vị Thanh, vui vẻ nói: “Ngoài địa chỉ tin cậy mua sắm ở siêu thị, còn có những sản phẩm rau quả an toàn được bày bán bên ngoài cửa hàng. Tuy không đa dạng chủng loại mặt hàng như siêu thị, nhưng vẫn có tem nhãn chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ cụ thể. Tết này, thêm phần an tâm chuyện chọn hàng hóa cho bữa cơm đoàn viên”.

Từ mùa xuân này, người dân trên địa bàn lại có thêm một địa chỉ đáng tin cậy để mua sắm thực phẩm được kiểm soát an toàn. Cửa hàng chuỗi thực phẩm Phúc Lộc là đơn vị có vai trò quan trọng trong khâu liên kết tiêu thụ, đưa sản phẩm rau quả từ chuỗi đến tay người tiêu dùng. Ý nghĩa nhất là rau an toàn do chính bàn tay người nông dân Hậu Giang làm ra. Trên từng sản phẩm chứa đựng tâm huyết của những người nông dân tiên phong trong phong trào sản xuất sạch.

Bước chuyển trong sản xuất

Từ khi khởi động chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã theo sát quá trình sản xuất của 12 hộ dân trong chuỗi. Với phương châm “cùng ở, cùng làm” với bà con, các cán bộ kỹ thuật kịp thời tư vấn, hỗ trợ, động viên từng nông dân thay đổi tập quán canh tác. Nhất là thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học dần được bà con chuyển qua các chế phẩm sinh học và có thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch. Đơn vị Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra thu mẫu đột xuất từ đất, nước, đến rau quả thành phẩm, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan nhất trên từng diện tích sản xuất để giúp người tiêu dùng nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của nông sản sạch, an toàn trong đời sống.

Gặp ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh trong lúc thăm lại vùng sản xuất nông sản của nông dân, ông phấn khởi cho biết: “Hiện nay, có nhiều hộ dân ở các huyện, thị, thành khác bày tỏ mong muốn tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Chưa kể, một bộ phận người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng hàng hóa nông sản trên thị trường. Minh chứng qua việc chọn thực phẩm tại chuỗi, nhiều khách hàng yêu cầu phải có tem nhãn đầy đủ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đây là tín hiệu khởi sắc, là động lực cho những hộ sản xuất, liên kết kinh doanh và cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn phục vụ thị trường tiêu thụ trong tương lai”.

Trên cơ sở đó các ngành nông nghiệp đã phối hợp hỗ trợ một điểm bán trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Ngành y tế tích cực vào cuộc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến cung ứng cho các bếp ăn tập thể, công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Sự liên kết chặt chẽ giữa ba mắt xích “Nông nghiệp - Công thương - Y tế” đã bước đầu giúp chuỗi sản xuất rau quả an toàn định hình và phát triển. Dự kiến, tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chọn lọc lại sản xuất trong chuỗi, bổ sung những nhân tố thật sự gắn bó với nghề sản xuất rau quả an toàn. Trước mắt, phấn đấu đưa sản phẩm rau quả được kiểm soát an toàn phục vụ các bếp ăn tập thể và kỳ vọng vươn xa đến các đầu mối tiêu thụ uy tín trong khu vực.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, nhận định: “Năm 2018, sẽ giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức thêm các lớp tập huấn, tăng cường hỗ trợ kiến thức cho nông dân trong chuỗi, từng bước hướng đến việc sơ chế biến tại chỗ. Rau quả phải được xử lý sạch, đóng gói, bao bì, nhãn mác đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, chọn lọc hộ dân để xây dựng tiêu chuẩn VietGAP trên rau, có hồ sơ ghi chép chặt chẽ, đánh giá cụ thể chất lượng sản phẩm”.

Có thể nói, năm 2017, là “cột mốc” đánh dấu bước chuyển rõ nét trong nhận thức của người tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, hướng tới một nền sản xuất sạch. Quy trình khép kín từ sản xuất tới bàn ăn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp người dân Hậu Giang an tâm tiêu dùng những sản phẩm an toàn. Ngoài chuỗi, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông sản an toàn như VietGAP, GlobalGAP hay các mô hình sản xuất nông sản trong nhà kính… cho thấy việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với an toàn thực phẩm đã trở thành một xu hướng của nông dân Hậu Giang trong tương lai.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>