Chủ động bảo vệ vật nuôi mùa nắng nóng

08/05/2024 | 07:24 GMT+7

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, việc chăm sóc vật nuôi đã trở thành một nhiệm vụ cần thiết và là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ và duy trì nguồn lợi kinh tế cho người chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi.

Trong mùa hạn năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn do nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình này, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Với hơn 10 năm chăn nuôi heo, vịt, trâu..., gia đình ông Lê Văn Nghiêm, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết gia đình đang nuôi hơn 3.000 con vịt, 6 con trâu và 8 con heo. Thời tiết hiện tại quá nóng nên đàn vật nuôi dễ phát sinh bệnh, làm hiệu quả chăn nuôi thấp. Đoán trước được vấn đề này nên ngay từ khi bắt đầu mùa nắng, ông đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nóng cho đàn gia súc như thường xuyên tắm cho đàn heo và trâu để giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể chúng. Đối với vịt thì thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ để tránh nhiễm bệnh, làm hao tổn số lượng đàn vịt.

Ông Nghiêm cho biết thêm: “Để đàn vật nuôi được phát triển tốt trong mùa này, gia đình tôi ưu tiên đảm bảo vấn đề ăn uống và tăng cường cung cấp nước nhiều hơn so với trước đây, cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin để tăng khả năng miễn dịch, phun thuốc sát trùng để diệt những tác nhân truyền và gây bệnh, đồng thời theo dõi, phát hiện sớm nếu có dấu hiệu bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng. Với nhiều biện pháp như vậy thì tôi tin rằng đàn vật nuôi sẽ phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao, dù là trong mùa nắng như hiện nay”.

Gà, vịt cũng là những loại vật nuôi dễ bị tác động do nắng nóng. Anh Ngô Văn Biểu, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Gia đình đang nuôi gần 6.000 con gà. Nắng nóng kéo dài đã làm giảm sức đề kháng của đàn gà, dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Do đó, trong những ngày nắng gắt, tôi đã chủ động bổ sung vitamin C vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh chuồng trại để tạo môi trường sạch, thông thoáng nhằm giảm nhiệt độ trong chuồng”.

Còn riêng đối với các hộ chăn nuôi thủy sản là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đợt nắng nóng kéo dài hiện nay. Ông Trần Văn Thương, nuôi tôm trên đất lúa tại ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Mấy năm trước dù có nước mặn vào mùa hè thì cũng không đến mức nắng gắt như hiện nay. Nắng nóng kéo dài làm lượng nước bốc hơi nhanh, trong khi tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết, dễ phát sinh dịch bệnh. Mùa này nuôi tôm là phải theo sát khu nuôi, kiểm tra sức ăn của tôm, kiểm tra tôm định kỳ để khi có phát sinh các yếu tố bất lợi phải xử lý ngay”.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho rằng: Trong thời điểm hiện nay, trước tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường rất cao có thời điểm đạt 400C, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vật nuôi, làm sức đề kháng vật nuôi suy giảm, năng suất sản xuất ảnh hưởng rất nhiều. Đối với chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, nhất là đàn vịt chạy đồng phải chịu tác động rất lớn, sản lượng trứng sụt giảm, gia cầm bị suy kiệt do phải di chuyển, thiếu nguồn nước do nguy cơ xâm nhập mặn, khả năng sẽ bị thua lỗ, thất thoát cao. Còn đối với chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi heo sẽ gặp bất lợi rất lớn, heo kém ăn do nắng nóng, bị stress nhiệt, heo nái dễ bị rối loạn sinh sản, chậm lên giống, khó đậu thai, sảy thai, heo con sinh ra còi cọc do heo mẹ ăn uống kém… Đối với heo đực giống năng suất tinh giảm, chất lượng tinh không đảm bảo, heo bị rối loạn sinh tinh, hoạt lực tinh trùng heo bị yếu…

Từ thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh khuyến cáo một số giải pháp hướng dẫn người chăn nuôi heo trên địa bàn là làm ổn định nhiệt độ, giảm nóng cho chuồng nuôi như: làm thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài khu vực chuồng nuôi; lắp đặt thêm một số quạt thông gió ở trong chuồng nuôi tạo thông thoáng và thay đổi không khí trong khu vực chuồng; làm hệ thống phun sương xung quanh chuồng tạo nhiệt độ ổn định cho chuồng nuôi. Mật độ thả nuôi cần phù hợp, nuôi thưa giúp cho heo sinh trưởng và phát triển tốt. Che thêm lưới cách nhiệt ở các hướng có nắng chiếu trực tiếp vào chuồng. Khẩu phần ăn cần bổ sung nhiều rau xanh để heo được tiêu hoá tốt hơn và giúp heo tăng sức đề kháng. Cung cấp đầy đủ nước uống và có thể bổ sung vitamin C vào trong nước cho vật nuôi uống hàng ngày. Lưu ý khi vận chuyển, di chuyển đàn gia cầm nên chọn thời điểm nhiệt độ thấp như sáng sớm hay buổi chiều tối, cung cấp chất điện giải, bù nước cho vật nuôi kịp thời để đàn vật nuôi được phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Theo ngành chức năng thì tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung đến thời điểm hiện tại duy trì ổn định. Tổng đàn trâu, bò là 5.409 con. Trong đó, đàn trâu có 1.226 con, bằng 93,23% so với cùng kỳ; đàn bò có 4.183 con, bằng 109,02% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đàn heo của tỉnh có khoảng 145.784 con, bằng 101,22% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 4.493.250 con, bằng 102,92 % so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà chiếm 1.850.380 con.

 

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>