Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp

13/03/2024 | 10:01 GMT+7

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đa dạng hóa các hoạt động trồng trọt nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Người dân thu hoạch bắp tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

Đa dạng cây trồng

Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), chi phí sản xuất đầu vào tăng, nhưng các hoạt động trồng trọt trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và phát triển ổn định. Diện tích sản xuất và sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt và vượt so với kế hoạch. Bên cạnh việc thâm canh, tăng vụ nhằm duy trì được diện tích, sản lượng lúa ở mức cao, tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển nhiều loại rau màu, hoa kiểng, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái. Các loại cây trồng cũng được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau như trồng chuyên canh, xen canh, luân canh... nhằm phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương và đáp ứng các yêu cầu về thích ứng BĐKH, chuẩn hóa sản xuất phục vụ theo nhu cầu thị trường.

Anh Đỗ Ngọc Suốt, ở khu vực 7, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng mía bán cho Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, nhưng gần đây giá mía bấp bênh nên người dân không có lợi nhuận. Được sự hỗ trợ của địa phương, tôi quyết định chuyển sang trồng chanh không hạt. Bất ngờ mô hình trồng chanh không hạt đạt được hiệu quả cao nên tôi quyết định đầu tư mở rộng mô hình với diện tích khoảng 1ha và tham gia vào hợp tác xã chanh không hạt để cùng với bà con xung quanh phát triển, nâng cao lợi nhuận và tạo điều kiện tăng thu nhập cho gia đình”.

Còn anh Nguyễn Duy Khánh, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết gia đình trồng khóm cũng hơn 4 năm, với hơn 10 công khóm, vụ này ông thu hoạch được khoảng 7 thiên khóm, lợi nhuận thu về khá cao. Hiện thương lái đến tìm mua tận rẫy với mức giá 10.000 đồng/trái loại 1, nếu giá thu mua thấp hơn so với thị trường thì HTX trồng khóm ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ sẽ thu mua bằng giá thị trường nên người dân không quá lo lắng về vấn đề đầu ra.

 “Gia đình tôi trồng khóm đã nhiều năm nay, vùng này nước phèn, các loại cây khác sống không nổi nên cây khóm là lựa chọn phù hợp để bà con vùng này phát triển sản xuất. Nhờ được cán bộ địa phương hướng dẫn, cũng như có kinh nghiệm trồng nên người dân lợi nhuận của người dân được tăng cao. Vùng này đã và trở thành vùng cung cấp khóm Cầu Đúc cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh”, anh Khánh cho biết thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 45.800ha, tăng 669ha so với cùng kỳ 2023, đạt 98,7% kế hoạch năm (46.400ha), sản lượng đạt 562.541 tấn, đạt 100,5 % kế hoạch (560.000 tấn). Còn đối với vụ lúa Đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh đã xuống giống được 74.392,2ha, đạt 100,26% kế hoạch, các trà lúa hiện nay đang ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ - chín và thu hoạch, các giống được sử dụng chủ yếu như RVT, Đài Thơm 8, OM18, OM 5451, ST24...

Nâng cao hiệu quả trồng trọt

Phát huy các kết quả đã đạt được, năm 2024 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng, phát triển các mô hình, cách làm hay nhằm phát triển sản xuất. Trong đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương trong sản xuất nhằm giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân...

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, tỉnh tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung xây dựng vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nâng cao việc sản xuất theo các quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) trong trồng trọt như VietGAP, GlobalGAP..., tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững hoặc thực hiện theo quy trình sản xuất của các doanh nghiệp liên kết sản xuất đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu cho thị trường theo đúng quy định. Cũng như tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu nông sản, thực hiện việc liên kết sản xuất - tiêu thụ một cách hiệu quả. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm sau thu hoạch vừa gia tăng chuỗi giá trị nông sản từng bước nâng cao để phát huy hiệu quả trong khâu sản xuất. Nhân rộng áp dụng và thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, giá trị cao trên cơ sở đảm bảo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), khuyến khích và hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, để gia tăng dần giá trị sản xuất và giá trị sản phẩm.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Ngành luôn đẩy mạnh hướng dẫn nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và lịch thời vụ. Hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo, ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo và nông sản, từ đó giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>