Đất khóm tình người

13/02/2024 | 08:56 GMT+7

Như thường lệ, sáng nay, ông Chín Thến lại châm tách trà nóng ra ngồi trước sân nhà. Gió từ sông Cái Lớn thổi vào mát rượi. Trên lộ, những chuyến xe chở khóm chạy dập dìu, đưa trái khóm Cầu Đúc xứ này đi muôn nơi.

Nhìn cảnh đó, ông chợt nhớ về mấy chục năm trước, khi những chiếc xuồng tứ xứ tìm về đây để mua loại khóm thơm ngon mà ít nơi nào có được...

Niềm vui khi khóm Cầu Đúc được mùa.

Đất phèn sinh trái ngọt

Sinh ra và lớn lên ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, 75 năm cuộc đời của ông Vương Văn Thến (Chín Thến) là 75 năm gắn bó với xứ khóm Cầu Đúc này. Gia đình ông Vương Ton, cha ông Thến, là một trong 7 gia đình gốc Hoa đầu tiên về khai hoang, lập nghiệp ở xứ này từ năm 1931. Trên vùng đất phèn, ban đầu, người dân thử trồng nhiều loại cây như dưa hấu, khoai ngọt. Nghe có giống khóm Queen xuất xứ từ Thái Lan, người dân liền thử trồng xen trên rẫy dưa, rẫy khoai của mình.

Thời đó, mỗi cây khóm được trồng cách nhau đến 80cm. Nhờ chịu đất, chừng 3 năm sau, cây khóm đã phát triển vượt trội, nảy cây con phủ kín mặt liếp. Mỗi đợt trồng mới, người dân có thể để thu hoạch trong 25 năm. Tuy không sử dụng phân, thuốc, nhưng trái khóm nào cũng to tròn, căng mắt, có trái trọng lượng lên đến 2,5kg. Nhờ trái khóm có màu vàng bắt mắt, vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi mà tiếng lành đồn xa. Cứ đến mùa khóm vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, thương lái từ khắp nơi tìm về xứ này để mua khóm.

“Thời đó làm gì có ghe máy, xe máy, xe ba gác hay xe tải như bây giờ. Thương lái ở các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long,… chủ yếu chèo ghe đến đây để mua khóm. Mất cả tuần để chèo đi chèo về mà mỗi chuyến cũng chỉ chở được hơn 2.000 trái. Nhưng nhờ loại khóm ngon ít nơi nào có, nên họ cũng không ngại đường xa”, ông Thến nhớ lại.

Khóm thời đó vừa trúng mùa, vừa được giá, đã giúp người dân địa phương có đời sống ổn định để vượt qua những biến động của thời cuộc. “Đất lành chim đậu”, từ 7 gia đình người Hoa ban đầu, người dân về định cư ở đây nhiều hơn tạo nên một xóm Tiều đông đúc.

Như bao người con sinh ra ở xứ khóm Cầu Đúc, 12 tuổi, ông Thến đã cùng gia đình ra rẫy, tập tành làm cỏ, lựa khóm. 63 năm trôi qua, ông Thến vẫn chưa... “chán” loại cây này. Khi khỏe, ông thường lặn lội ra thăm rẫy khóm. Bởi nhờ loại cây này mà ông nuôi được đàn con 7 người khôn lớn, dựng vợ gả chồng, xây cuộc sống riêng. Nối nghiệp gia đình, nhiều người con, người cháu của ông Thến vẫn tiếp tục bám trụ với cây khóm. Tính đến nay, nghề trồng khóm đã được gia đình ông truyền đến thế hệ thứ tư.

Ông Chín Thến đã gắn bó với nghề trồng khóm từ năm 12 tuổi.

Trồng khóm sau ông Chín Thến, nhưng ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, gia đình ông Trần Văn Ty và bà Nguyễn Thị Kỷ, cũng là một trong những gia đình đầu tiên trồng khóm trong vùng. Bà Kỷ nhớ lại: “Năm đó tôi 18 tuổi, theo ổng về làm dâu xứ này. Hồi xưa ở đây vốn là khu lung bàu, nhiễm phèn nặng nên chỉ có cây tràm mới sống được. Nghe ở dưới xóm Tiều người ta trồng khóm tốt lắm, nên vợ chồng tôi khẩn hoang được 5 công đất, rồi chèo ghe xuống dưới mua con khóm về trồng. Từ đó đến nay cũng đã hơn 60 năm”.

Mùa khóm đầu tiên, gia đình ông Ty bán được hơn 3.000 trái. Thời đó, mỗi trái khóm có giá vài trăm đồng nhưng cũng là nguồn thu nhập khá đối với người dân. Riêng gia đình ông Ty, nhờ trồng khóm mà nên cửa nhà, nên của cải. Từ 5 công khóm ban đầu, ông Ty dần mở mang đến 60 công đất. Trước xu hướng chuyển đổi cây trồng, gia đình ông vẫn quyết tâm bám trụ với cây khóm. Trong 8 người con của ông bà, có người làm viên chức nhà nước, có người làm nông, nhưng cây khóm vẫn luôn là một nguồn thu nhập quan trọng của mỗi gia đình nhỏ và tiếp tục được truyền tới những thế hệ cháu.

Trăm năm rẫy khóm luôn tốt “mịt trời”

Gần 100 năm bám rễ ở vùng này, cây khóm Cầu Đúc đã thực sự trở thành loại cây phù hợp nhất với đất phèn, cho ra những mùa trái ngọt, nuôi nấng nhiều thế hệ. Hầu hết các gia đình gắn bó lâu năm với khóm đều công nhận giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại. Tuy nhiên, bà con cũng trăn trở trước những sự đổi thay của cây khóm trong quá trình canh tác.

Hiện nay, sau mỗi đợt trồng khóm, người nông dân chỉ có thể thu hoạch từ 3-4 năm. Sau đó, cây khóm sẽ suy yếu và không thể cho trái đạt chuẩn nữa. Dù liên tục bổ sung các loại phân hóa học, phân hữu cơ, nhưng thật không dễ dàng để lại có những vụ khóm tốt “mịt trời” như thuở nào.

Ở tuổi 82, bà Nguyễn Thị Kỷ vẫn ngày ngày ra chăm sóc rẫy khóm của mình.

Thấu hiểu và chia sẻ với những trăn trở của người trồng khóm Cầu Đúc, thời gian qua, tỉnh đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực để trợ lực cho loại cây này. Có thể kể đến việc triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp như: dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh ở Hậu Giang; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang”; đề tài “Xây dựng biện pháp tổng hợp để chẩn đoán, quản lý dưỡng chất và bệnh hại có nguồn gốc từ đất bằng phương pháp sinh học cho cây khóm Hậu Giang”,…

Để gắn bó lâu dài với loại cây này, thời gian qua, người trồng khóm Cầu Đúc ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ cũng tích cực tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, chế biến các sản phẩm đa dạng hóa từ trái khóm Cầu Đúc để nâng tầm giá trị loại cây này. Vượt qua nhiều nông sản chủ lực của tỉnh, biểu tượng “Bé Khóm” lấy cảm hứng từ trái khóm Cầu Đúc hiện đang được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để trở thành biểu tượng đại diện cho hình ảnh của tỉnh. Qua đó, khẳng định vị thế của loại trái đã có gần 100 năm bám rễ và gắn bó với nhiều lớp người xứ này.

Mặt trời đã lên tới đọt cây, ông Chín Thến tranh thủ uống xong ngụm trà rồi lại chuẩn bị ra rẫy. Mấy chục công khóm của gia đình đã được con trai ông trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ông cũng yên lòng khi con quyết tâm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để gìn giữ và phát huy nghề trồng khóm của gia đình.

Ra rẫy nhổ cỏ, che mát cho trái khóm,… đã trở thành một việc làm hàng ngày của ông Chín Thến, bởi theo ông “ở không chịu không nổi bây ơi!”...

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>