Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

11/03/2024 | 09:32 GMT+7

Thời gian qua, thành phố Vị Thanh luôn tập trung mọi nguồn lực để tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Trong năm 2023, HTX Tân Tiến tăng thêm 79 thành viên mới tham gia so cuối năm 2022.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Để tiếp tục cho lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố phát triển, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được phát triển bền vững, hiện nay thành phố triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, trong năm qua, từ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP và Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ và mô hình khuyến nông, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện 5 mô hình trên địa bàn xã Vị Tân, xã Hỏa Lựu và xã Tân Tiến, với diện tích 67ha, có 55 hộ tham gia, tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách đầu tư trên 663 triệu đồng, còn lại vốn dân. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cho 2 mô hình, dự án NMA hỗ trợ mô hình trồng khóm hữu cơ cho xã Hỏa Tiến. Chuyển giao 2 mô hình là mô hình khóm cá kết hợp du lịch ở ấp Thạnh Thắng, có 5 hộ tham gia với tổng diện tích 7ha và mô hình nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường ở ấp Thạnh Xuân, với 1 hộ tham gia.

Là một trong những hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ từ dự án VnSAT, ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Tiến (HTX Tân Tiến), ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: HTX nhận được sự hỗ trợ từ dự án VnSAT đầu tư lò sấy, lộ giao thông, nhờ đó giúp cho HTX làm ăn phát triển, nâng cao thu nhập cho thành viên. Hiện HTX Tân Tiến 116 thành viên, với tổng diện tích đất sản xuất lúa 110ha, trong đó có 30ha trồng lúa theo hướng an toàn.

Thấy được lợi ích khi tham gia mô hình kinh tế hợp tác, nhiều người dân trên địa bàn xã Vị Tân đã tham gia vào thành viên của HTX và tập trung nhân rộng canh tác lúa theo hướng an toàn để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện tại, HTX Tân Tiến còn liên kết sản xuất với các hộ dân ngoài địa bàn thêm 610ha để tăng lợi nhuận cho HTX. Trong năm qua, bình quân mỗi vụ lúa, trừ hết chi phí lợi nhuận từ 55 triệu đồng/ha và thông qua các dịch vụ, HTX có được lợi nhuận 500 triệu đồng.

Trong thời gian tới, các kênh phân phối của HTX Tân Tiến tập trung trên sản phẩm “Gạo Nàng Chăng” và lúa nguyên liệu sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt hoặc hướng hữu cơ. “Gạo Nàng Chăng” sẽ tăng quy mô thông qua hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ sau thu hoạch, chế biến. Cụ thể quy mô sẽ tăng từ 360 tấn/năm (2024) lên 600 tấn/năm (2028). Bên cạnh đó, quy mô cung cấp nguyên liệu lúa thực hành nông nghiệp tốt hoặc hướng hữu cơ tăng dần và ước khoảng 10.228 tấn/năm (2028) thông qua mở rộng vùng nguyên liệu và liên kết với các công ty phân phối gạo trên thị trường trong và ngoài nước.

Từ khi lò sấy lúa của HTX Tân Tiến đưa vào hoạt động đã giải quyết việc làm thời vụ mỗi ngày cho 30 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 300.000 đồng trở lên. Ông Phan Văn Tường, ở ấp 5, xã Vị Tân, tâm sự: “Tôi đã làm ở lò sấy này được 2 vụ lúa. Mỗi vụ lúa tôi làm việc ở đây từ 30 ngày trở lên, giúp tôi có thu nhập từ 7-15 triệu đồng”.

Còn ông Bùi Thiện Nghệ, là thành viên của HTX Tân Tiến, thì: “Với cách làm mới của HTX giúp tôi yên tâm trong sản xuất so với trước đây. Ngay từ khâu lúa giống, phân bón, thu hoạch lúa, bán lúa đều có HTX đầu tư chọn cho thành viên nên không phải lo toan tiền như trước đây. Giá bán còn được cộng thêm 200 đồng so với giá thị trường hiện tại”.

Chị Phan Thị Phăng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu AgriVi, ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Vụ lúa Đông xuân 2023-2024, công ty có đặt hàng với HTX Tân Tiến để cung ứng lúa cho công ty. Hiện hợp đồng bao tiêu lúa với giá 8.200 đồng/kg. Mong rằng trong thời gian tới công ty với HTX có sự hợp tác tốt, để giúp người dân trồng lúa nơi đây nâng cao đời sống.

Theo ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, theo chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay sẽ tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn thành phố như chương trình giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để giúp các hộ dân đầu tư vào các mô hình làm ăn có hiệu quả giúp giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn như mô hình tròng khóm kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng khóm kết hợp du lịch, mô hình nuôi lươn, ba ba, trồng măng cụt...

Theo UBND thành phố Vị Thanh, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 trên địa bàn thành phố năm 2024 trên 180,7 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí cho công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên 15,6 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>