Đổi thay ở xóm nghèo

17/05/2019 | 08:11 GMT+7

Nhờ sự thức thời, nhanh nhạy nên không ít hộ dân ở kênh Thầy Năm, thuộc ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, nhanh chóng vươn lên từ mô hình trồng cây màu ngắn ngày cho thu nhập cao.

Người dân ở tuyến kênh Thầy Năm khá lên nhờ trồng rau màu.

Bên tách trà mở đầu câu chuyện, anh Út Quang (Phan Văn Quang), ở ấp 7, xã Long Trị A, nói với tôi: “Cách đây khoảng 10 năm về trước, phần đông bà con ở dọc tuyến kênh Thầy Năm này đều là hộ nghèo, hộ khó khăn, do kinh tế gia đình còn phụ thuộc vào độc canh cây lúa. Những năm gần đây, nhờ mô hình trồng rau màu đầu tiên của anh Hai Tuyền, anh Sáu Tuấn cùng xóm có hiệu quả nên bà con học hỏi làm theo. Lúc đầu chỉ là diện tích nhỏ lẻ quanh nhà, đến khi thấy được giá trị kinh tế của cây rau màu cho thu nhập cao, nhiều hộ dân trong xóm không ngần ngại phá bỏ vườn cây ăn trái già cỗi, vườn tạp, mở rộng thêm diện tích trồng quanh năm”.

Để không đụng hàng, dội chợ và tiện bề chăm sóc, bà con chia ra trồng nhiều loại khác nhau như cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau thơm, rau muống, mồng tơi, khổ qua, dưa leo, dưa hấu… mỗi người một ít trên cùng diện tích. Đặc thù của bà con trồng rau ở đây là luôn tuân thủ theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông là hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật phun trên rau cải. Trong giai đoạn bón phân chăm sóc rau, bà con cũng hạn chế dùng phân bón hóa học, hay các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Phần nhiều bà con đều sử dụng phân hữu cơ kết hợp phân chuồng làm đất thêm độ phì nhiêu, từ đó rau cải cũng đạt năng suất rất cao. Tuy chưa phải là rau sạch an toàn tuyệt đối như nhiều loại rau khác được trồng trong nhà lưới, nhưng rau mà bà con trồng ở đây cũng không kém phần chất lượng đối với người tiêu dùng, vì vậy thương lái từ các chợ trong và ngoài thị xã tìm đến đặt mua với giá từ 7.000-8.000 đồng/kg đối với cải ngọt, cải xanh; 16.000-20.000 đồng/kg cải xà lách, rau tần ô, ngò rí… Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí thì người trồng còn lợi nhuận từ 5-6 triệu đồng/1.000m2, chỉ sau 30-35 ngày trồng.

Anh Hồ Văn Hiền, Trưởng ấp 7, xã Long Trị A, cho biết tuyến kênh Thầy Năm có gần 300 hộ dân sinh sống, trước đây phần nhiều là hộ khó khăn, ít đất. Những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi được đê bao khép kín, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được chủ động tưới tiêu nên nhiều bà con tận dụng hết phần đất bờ kênh, đất xung quanh nhà trồng rau màu mang lại nguồn thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/hộ/năm. Kinh tế hộ nâng cao, đời sống người dân từng bước được thay đổi, tích cóp nhiều năm từ trồng màu, không ít hộ xây được nhà khang trang. Bà con ở đây, ai cũng mừng vì đã qua rồi cảnh “nhà dột, cột xiêu”.  

Anh Bùi Văn Truyện, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Long Trị A, thừa nhận: Tuyến kênh Thầy Năm này trước đây có nhiều hộ nghèo nhất nhì xã sinh sống. Vậy mà bây giờ, xóm nghèo đã nhanh chóng thay da đổi thịt, đường sá thông thoáng, nhà cửa tươm tất, mua sắm đầy đủ tiện nghi như ti vi, xe máy đắt tiền. Đó cũng là sự nỗ lực của bà con nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hầu hết những sản phẩm làm ra của bà con đều đạt chất lượng và năng suất rất cao, bán được giá, đầu ra ổn định, nhờ vậy mà cuộc sống của nhiều hộ dân nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>