Gỡ khó cho người chăn nuôi

14/06/2017 | 07:43 GMT+7

Trước thực trạng giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2017, các ngành tỉnh đã vào cuộc với nhiều giải pháp giúp tiêu thụ lượng heo hơi còn tồn đọng trên địa bàn.

Ngành chức năng thu mua heo của người dân ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy vào cuối tuần qua.

Bất cập về giá

Hiện nay, tình hình chăn nuôi heo trên cả nước cũng như của tỉnh Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn, giá heo hơi giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, giá thịt heo thành phẩm trên thị trường lại giảm “nhỏ giọt”. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt đùi và ba rọi đang giữ mức 45.000-50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi do thương lái thu mua chỉ từ 22.000-27.000 đồng/kg, tùy địa phương và chất lượng heo. Như vậy, giữa giá heo hơi thu mua và giá thịt heo thành phẩm có sự chênh lệch khá lớn. Điều này khiến người chăn nuôi heo lâm cảnh thua lỗ nặng nề trong 6 tháng đầu năm 2017.

Trong buổi làm việc với Sở Công thương Hậu Giang về việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi mới đây, ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhận định: “Tùy điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tùy trình độ chăn nuôi, nguồn phụ phẩm có hay không mà mỗi hộ chăn nuôi có mức đầu tư khác nhau. Theo tính toán, trung bình 1kg heo hơi, bà con đầu tư ít nhất khoảng 28.000-32.000 đồng, nhưng với mức giá hiện tại thì người chăn nuôi đang cầm chắc phần thua lỗ”.

Cứ tưởng giá heo hơi giảm rồi lại tăng theo biến động thị trường trong thời gian ngắn nên nhiều hộ dân đã “neo chuồng” đợi giá heo hơi tăng trở lại mới bán. Thế nhưng, mòn mỏi mấy tháng ròng mà giá heo hơi vẫn chưa có chuyển biến tích cực hơn nên người nuôi đành bỏ cuộc mà bán heo với mức rẻ bèo. Bởi càng cầm cự lâu thì chi phí thức ăn đội lên làm khoản tiền thua lỗ càng nhiều.

“Trung bình 1 con heo tôi nuôi mất thời gian khoảng 4-5 tháng. Nhưng hiện thương lái thu mua bên ngoài chừng 24.000-27.000 đồng/kg, mỗi con heo 100kg lỗ không dưới 1 triệu đồng chi phí chăn nuôi. Chưa kể việc thừa hàng dội chợ nên thương lái kỳ kèo ép giá. Bán hết đợt heo này chắc nghỉ luôn, vì gia đình không kỳ vọng vào  nuôi heo nữa do giá cả càng lúc càng bấp bênh”, ông Nguyễn Thanh Tiến, ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ.

Các ngành vào cuộc

Theo tính toán từ ngành chuyên môn, trung bình mỗi tháng, lượng heo giết thịt để tiêu thụ nội tỉnh khoảng 17.000 con. Tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh có khoảng 42.000 con heo trong giai đoạn từ 70kg đến xuất chuồng. Để góp phần giúp người dân tháo gỡ khó khăn, hiện ngành công an đã vào cuộc giúp tiêu thụ thịt heo trong dân. Theo đó, lực lượng công an các địa phương sẽ chủ động thu mua heo hơi trong dân với mức giá 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg so với giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Tính đến cuối tuần qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã thu mua khoảng 9.625kg heo hơi trong dân.

Thượng tá Trương Văn Khôi, Phó trưởng Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Công an tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hoạt động thu mua được thực hiện trực tiếp trong dân, sau đó chúng tôi sẽ thuê lò mổ, kết hợp với lực lượng thú y để kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thứ 6 hàng tuần, chúng tôi sẽ tổ chức chia thịt heo cho cán bộ, chiến sĩ. Ở các huyện cũng thực hiện theo chỉ tiêu cụ thể. Đến hết đợt triển khai vào ngày 1-8, trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ giúp tiêu thụ khoảng 10kg thịt heo. Hoạt động này được triển khai với mục đích góp phần giúp tiêu thụ thịt heo trong dân, hạn chế khâu trung gian và tình trạng thương lái ép giá khi thu mua”.

Mới đây, Phòng Hậu cần thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai một số giải pháp trong chăn nuôi, thu mua giết mổ heo trước biến động về giá và hưởng ứng đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo của người dân. Cụ thể, về duy trì đàn heo hợp lý với khả năng chăn nuôi và tiêu thụ tại đơn vị như: Đối với heo thịt, thời điểm này không nên tăng đàn, tạm thời dừng mua thêm heo giống, ưu tiên tiêu thụ heo tăng gia sản xuất; đối với chăn nuôi heo nái sinh sản, tập trung nâng cao chất lượng đàn heo nái hướng nạc; chọn lọc lại giống để giữ lại những con nái có tỷ lệ sinh sản đạt yêu cầu. Tận dụng phụ phẩm của nhà ăn, nhà bếp vào chăn nuôi. Nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, các đơn vị tăng định lượng thịt heo trong bữa ăn của bộ đội với mức hợp lý. Tiến hành thu mua heo sống, giết mổ tại đơn vị để giảm giá thành, mua bổ sung thêm thịt nạc để chế biến với lượng tăng thêm từ 10-15% so với định lượng quy định của thịt nạc…

Thiếu tá Lê Long Hải, Trưởng ban Quân nhu - Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Hoạt động thu mua và góp phần tiêu thụ lượng heo trong dân được tổ chức từ đầu tháng 5 đến nay. Hiện đã thu mua được khoảng 1.200kg. Sản phẩm được phục vụ tại các bếp ăn tập thể của những đơn vị có quân số đông như Trung đoàn Bộ binh 114, Trường Quân sự tỉnh, các lớp huấn luyện dự bị động viên, Đại đội Trinh sát, bếp ăn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh…

Theo thống kê của Sở Công thương Hậu Giang, tính đến thời điểm cuối tháng 5-2017, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 143.000 con với 16.400 hộ nuôi. Hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ; nuôi trang trại từ 100 con trở lên chỉ có 24 hộ.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>