Hậu Giang tăng tốc xây dựng nông thôn mới

05/03/2024 | 07:22 GMT+7

Để đạt mục tiêu hoàn thành các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm nay, các địa phương đang tập trung ra sức xây dựng và nâng chất các tiêu chí để sớm được công nhận đúng lộ trình.

Chính quyền và Nhân dân xã Phương Phú đồng lòng xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: D.KHÁNH

Nông thôn thay đổi

Hiện nay, khi về thăm xã Phương Phú, xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Phụng Hiệp mới thấy hết sự thay đổi rõ nét của xã Phương Phú so với cách đây vài năm. Không gian sống thoáng đãng, đường quê bê tông thẳng tắp, hai bên lề lộ được tô điểm thêm bằng những luống hoa rực rỡ càng cho thấy người dân nơi đây chuẩn bị khá chu đáo. 

Bà Nguyễn Thị Đan, người dân ở xã Phương Phú, cho biết: “Vừa rồi Đảng bộ và Nhân dân rất vinh dự đón nhận danh hiệu NTM nâng cao. Thành quả này là cả một sự phấn đấu trong thời gian dài nên hiện nay khi đạt rồi thì mỗi người một việc cùng ra sức gìn giữ thành quả đó”.

Người dân ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập. Ảnh: T.TRÚC

Đời sống tinh thần được nâng lên một bước, kinh tế của người dân xã Phương Phú cũng được cải thiện qua từng năm. Nhờ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay xã Phương Phú có 174 mô hình cho lợi nhuận từ 200 đến 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2015. Từ đây, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn dưới 2,5%.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, cho biết: “Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân nên thời gian qua chính quyền xã Phương Phú đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai của địa phương. Hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.”

Còn ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đời sống của bà con nhân dân trong xã cũng có những thay đổi rõ nét. Nếu cách đây 2 năm, thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ ở mức 40 triệu đồng/người/năm, thì bằng cách làm phù hợp, chính quyền địa phương ở xã Hiệp Hưng đã mạnh dạn vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lựa chọn cây trồng hợp lý cho từng khu vực mà giờ đây thu nhập của người dân đã vươn lên mức 55 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với 2010. Toàn xã xây dựng được 145 mô hình sản xuất cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 3,96%. Có được kết quả này là nhờ xã đã đột phá trong việc vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc linh hoạt, quy hoạch từng khu vực với các loại cây trồng phù hợp như: sầu riêng, măng cụt, mít Thái, rẫy dây và mía thì chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân canh tác theo hướng đa canh, lấy ngắn nuôi dài, vừa kéo giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Công, ở xã Hiệp Hưng, cho biết: “Nếu vườn cây ăn trái thì bà con kết hợp nuôi thủy sản, nuôi ếch dưới mương. Còn canh tác mía thì trồng xen rẫy dây ở đầu mỗi hàng mía. Những cách làm này vừa góp phần làm gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, vừa giảm nguy cơ thất thu khi nông sản rớt giá”.

Theo kế hoạch mục tiêu phấn đấu đến 2025 huyện Phụng Hiệp có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 16 tiêu chí. Tính đến nay huyện có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,67% chỉ tiêu, các xã còn lại đạt trên 13 tiêu chí. Mục tiêu trong năm 2024 tập trung xây dựng xã Tân Bình đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thạnh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt thêm từ 1-2 tiêu chí. 

Để thực hiện mục tiêu này thời gian qua huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực hơn 153 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 114 tỉ đồng, còn lại huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp để xây dựng NTM. Nguồn vốn huy động chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí khó như: nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hiện nay, các khu vực nông thôn của huyện Phụng Hiệp có một sự thay đổi rất rõ nét. Cơ sở hạ tầng, đường lộ được đầu tư nối liền từ xã đến trung tâm huyện, đảm bảo xe ô tô lưu thông thuận tiện quanh năm. Đường liên ấp được đầu tư nâng cấp bằng bê tông, hệ thống kênh thủy lợi nội đồng đảm bảo phục vụ tưới tiêu và vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Qua đó, đã phần nào rút ngắn được khoảng cách của người dân ở nông thôn so với thành thị.

Nhiều mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2024

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, trong năm 2024 này sẽ duy trì và nâng chất các đơn vị xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thị xã Long Mỹ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2024; huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2024; huyện Châu Thành A đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Bên cạnh đó, công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Phú Tân (huyện Châu Thành), xã Vị Đông (huyện Vị Thủy), xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp). Đồng thời, phấn đấu thêm 2 xã là xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy), xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2024. Đối với các xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên giao cho các địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành.

Công nhận thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 16 xã, gồm xã Vị Tân, xã Tân Tiến (thành phố Vị Thanh), xã Nhơn Nghĩa A, xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A), xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy), xã Đông Phước A (huyện Châu Thành), xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ). Đồng thời phấn đấu thêm 2 xã là xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp), xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành) hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ). Đồng thời phấn đấu thêm xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Theo lãnh đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, Trong năm 2024 sẽ hỗ trợ các xã rà soát, huyện đánh giá hiện trạng các tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM, huyện NTM nâng cao, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, để người dân nhận thức được Chương trình xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phát huy tối đa vai trò chủ thể của mình trong việc tham gia xây dựng NTM. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, vận động quần chúng nhằm nâng cao hơn nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng NTM.

Song song đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường,... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn; đảm bảo chất lượng môi trường nông thôn, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>