Hiệu quả mô hình kinh tế hộ

25/10/2017 | 08:06 GMT+7

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Nông dân thị xã Long Mỹ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế hộ để vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín được nhiều hội viên nông dân ở thị xã Long Mỹ áp dụng để phát triển kinh tế hộ.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân thị xã Long Mỹ đã phối hợp với ngành khuyến nông địa phương, trung tâm học tập cộng đồng tập huấn cho nông dân kỹ thuật cơ bản, tham quan những mô hình làm ăn hiệu quả để làm điểm nhân rộng. Mô hình trồng rau an toàn có kết hợp ủ phân hữu cơ vi sinh ở xã Long Trị A là một điển hình. Từ số vốn ban đầu 3,5 triệu đồng giúp cho 7 thành viên của “Tổ hội nghề nghiệp trồng rau ăn lá” ở ấp 7, xã Long Trị A làm ăn khấm khá. Tổ trưởng “Tổ hội nghề nghiệp trồng rau ăn lá” Phan Văn Quang cho hay: “Chúng tôi tận dụng đất trống quanh nhà cải tạo vườn tạp, phá bỏ vườn cam, quýt bị vàng lá để trồng rau. Tổng diện tích đất canh tác là 6.500m2 trồng các loại rau ăn lá phổ biến như cải xanh, xà lách, cải ngọt… Tổ chịu mối bán tại các chợ ở thị xã Long Mỹ, Vị Thủy, Vị Thanh, ước tính mỗi năm tổ thu về lợi nhuận gần 45 triệu đồng/công”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trị A, cho biết: “Xã có 22 mô hình kinh tế hiệu quả đều do hội viên hội nông dân làm chủ. Các mô hình đều dễ làm mà còn cho thu nhập khá. Đặc điểm của các mô hình là có vốn đầu tư nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh, vì vậy mà nhiều nông dân ở xã có chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình”. 

Đời sống gia đình khấm khá, từ đó nhiều hộ trong tổ có thể sắm sửa thêm vật dụng, tài sản cho gia đình. Ông Quang kể: Giờ đây, không chỉ có tổ viên trong tổ trồng rau mà nhiều hộ trong ấp cũng làm theo. Nhiều tổ viên còn thuê thêm đất ruộng canh tác kém hiệu quả để trồng rau màu, đủ số lượng cung ứng cho nhiều chợ khác. Mới đây, trong tổ có ông Trần Thanh Phúc sắm được chiếc xe mới trị giá hơn 20 triệu đồng nhờ tích cóp nhiều năm bằng nghề trồng rau.

Người trồng rau mua xe, còn hội viên nông dân ở xã Long Phú thì xây được nhà nhờ mô hình trồng nấm rơm. Trong căn nhà khang trang mới xây hơn 200 triệu đồng, anh Trần Văn Điệp, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, phấn khởi cho biết: “Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống của gia đình gần chục người nhà tôi đều nhờ vào 2 công đất sử dụng trồng nấm rơm. Thấy trồng nấm có hiệu quả nên mấy năm nay tôi thuê thêm 2 công nữa làm thêm. Vậy là năm nay tôi cất được nhà mới”.

Để có được thành quả hôm nay, anh Điệp cũng nhờ sự hỗ trợ khá nhiều từ chính quyền địa phương. Các cấp hội nông dân ở địa phương đã bảo lãnh nhiều lần cho anh vay Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn làm kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây cũng là đòn bẩy để tạo động lực cho anh Điệp cũng như những nông dân khác trong xã mạnh dạn đầu tư mô hình mới. Ông Lê Trung Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phú, cho biết: “Từ mô hình trồng nấm rơm hiệu quả, chúng tôi đã phát triển ra nhiều hộ. Hội cũng đã tổ chức cho nông dân tham quan mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín ở địa phương bạn để hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết. Nếu nông dân có nhu cầu đầu tư thì hội cũng xem xét, hỗ trợ bảo lãnh với ngân hàng để vay vốn làm ăn”.

Cũng nhờ sự hỗ trợ này mà anh Phạm Văn Hải, ở ấp 1, xã Long Phú cất được căn nhà trồng nấm rơm trên nền đất. Từ đồng vốn vay hơn 20 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ và Ngân hàng Chính sách xã hội, anh cất được nhà kín và trồng được 300 bịch phôi nấm. Một tháng sau, anh mở rộng thêm diện tích và nâng số phôi nấm lên gấp đôi. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, chỉ sau 1 năm anh Hải đã thu hồi lại vốn đầu tư. Anh Hải cho biết: “Trồng nấm rơm nhà kín khá tiện vì dễ chăm sóc, tránh được sự ảnh hưởng của thời tiết. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao (trên 40 triệu đồng cho diện tích hơn 100m2) nhưng thu hồi vốn nhanh. Dự tính, mỗi vụ tôi lãi hơn 4 triệu đồng/100m2, mỗi năm tôi làm được gần chục đợt nấm”.

Ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Long Mỹ, cho biết: Hội Nông dân thị xã có hơn 8.800 hội viên với hàng trăm mô hình làm ăn có hiệu quả. Hàng năm, hội xây dựng quỹ hội để giúp cho những hội viên khó khăn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế và chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hội đã xây dựng quỹ được hơn 702 triệu đồng. Ngoài ra, toàn hệ thống hội của thị xã đã tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân lên 345 triệu đồng, nâng tổng số vốn lên hơn 1,4 tỉ đồng. Hiện nay, toàn thị xã có 79 tổ tiết kiệm vay vốn, có gần 3.500 hội viên được vay với tổng dư nợ lên trên 59 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, hội còn tổ chức 266 cuộc tham quan cho hơn 7.000 lượt nông dân tham gia. Nhìn chung, từ các mô hình và đồng vốn vay, các hội viên nông dân đều làm ăn khấm khá. Các hội viên tuy không phải ai cũng giàu nhưng thoát được cảnh khó khăn, từng bước phấn đấu làm giàu và đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>