Khởi sắc phong trào xây dựng nông thôn mới

10/09/2018 | 07:16 GMT+7

Phong trào xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đây là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.

Cảnh quan môi trường nông thôn Hậu Giang đang được người dân chăm chút khang trang.

Qua gần 8 năm triển khai xây dựng xã NTM, đến thời điểm này, Hậu Giang có một địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện là thị xã Ngã Bảy và 24/54 xã được công nhận xã NTM. Thành tích này đang giúp cho Hậu Giang là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng NTM. Và trong quá trình xây dựng NTM, Hậu Giang không chỉ tạo ấn tượng về con số đơn vị cấp huyện, xã đạt chuẩn NTM mới mà qua đánh giá của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, nét nổi bật của Hậu Giang trong xây dựng NTM là địa phương có nhiều cách làm hay, khơi gợi được ý thức và phát huy vai trò chủ thể của người dân nhờ vậy mà đời sống vật chất và tình thần của người dân nông thôn đang có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là ở những xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM.

Phát huy công tác tuyên truyền

Để cán bộ, người dân nắm và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa mà chương trình xây dựng NTM muốn hướng đến nên trong quá trình triển khai các địa phương luôn chú trọng và xem công tác tuyên truyền, vận động là vấn đề trọng tâm với nhiều hình thức như: tuyên truyền bằng tờ rơi, loa lưu động, cắm nhiều bảng pano, áp phích, cho hộ gia đình đăng ký tham gia xây dựng NTM với 16 phần việc thuộc về trách nhiệm của người dân cần thực hiện và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, cũng như một số cơ quan của Trung ương. Ngoài ra, nhiều địa phương còn sáng tạo trong tổ chức tuyên truyền xây dựng NTM thông qua một số hình thức khác như: lồng ghép trong họp chi bộ, họp dân... Từ việc tích cực thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp trong tuyên truyền nên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những nội dung trọng tâm về xây dựng NTM được kịp thời phổ biến đến cán bộ, người dân. Qua đây làm thay đổi nhận thức, sự đồng tình và hưởng ứng nhất trí trong việc chung sức, chung lòng tham gia tích cực xây dựng NTM cho quê hương từ mọi tầng lớp Nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Châu Thành A, cho biết: Các văn bản, chỉ thị liên quan đến NTM từ Trung ương đến địa phương luôn được ngành chức năng có liên quan từ huyện đến ấp tích cực triển khai sâu rộng đến người dân. Từ việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện qua công tác cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả được người dân quan tâm, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ, chỉnh trang ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh cỏ rác và trồng hoa kiểng, cây xanh xung quanh nhà để tạo môi trường, cảnh quan thoáng mát xanh - sạch - đẹp, xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp...

Ông Lê Thanh Sơn, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Được xem là ấp cửa ngõ của xã nên sau khi được tuyên truyền vận động, bà con nơi đây rất quyết tâm cùng chính quyền địa phương xây dựng cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp nhằm tạo điểm nhấn cho quê hương. Qua thời gian thực hiện, người dân đã xây dựng được hàng rào cây xanh chạy dài dọc theo hai bên đường”.

Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, thông qua công tác tuyên truyền vận động mà người dân đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, tiền, ngày công... để cùng chính quyền địa phương xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, từng bước phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và sản xuất. Điển hình đến nay có 26/54 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; có 38/54 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 100% số xã được phủ lưới cấp điện từ nguồn lưới điện quốc gia, đồng thời các tuyến điện trung thế 3 pha được đầu tư đến trung tâm các xã và các trục lộ giao thông thủy, bộ quan trọng. Xây dựng hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn xã, cung cấp trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ cho các xã; có 201/340 trường đạt chuẩn quốc gia...

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Lê Minh Trí (85 tuổi), ở ấp Khánh An, xã Phú An, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Trước đây, ở quê tôi có nhiều cầu khỉ, đường sá sình lầy nên việc đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, từ khi chính quyền địa phương tập trung vào xây dựng NTM, xóm, ấp đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống được đầy đủ và tiện nghi hơn. Trong đó, vui nhất là đường làng được mở rộng khang trang, xóa cầu khỉ bằng cầu bê tông, cảnh quan môi trường sáng hẳn lên. Có thể nói, những điều mơ ước của người dân nay đã thành sự thật nên bà con rất vui mừng”.   

Nâng cao thu nhập, giảm nghèo

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thì một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng để góp phần vào sự thành công trong quá trình xây dựng NTM là việc phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là công việc được ngành chức năng có liên quan của tỉnh thường xuyên quan tâm thông qua thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hiện có 739 hộ được hỗ trợ với số tiền hơn 41,5 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Song song đó, là đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; không ngừng mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ đối với nhiều sản phẩm như lúa, cây ăn trái, mía, cá tra...

Ông Huỳnh Hoàng Anh, ở ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc mời gọi doanh nghiệp nên nhiều năm qua cánh đồng lúa nơi đây đều có doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con. Từ đó, đầu ra và giá bán rất ổn định, nhờ vậy mà nông dân an tâm canh tác, vụ nào cũng đạt năng suất hơn 1 tấn/ha. Hy vọng thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng nông dân nơi đây”.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho hay: Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó, trong quá trình xây dựng NTM, nhất là giúp người dân các xã sản xuất hiệu quả, an tâm đầu ra sản phẩm và mang lại nguồn thu nhập cao, thời gian qua Vị Thủy cũng rất chú trọng đến công tác mời gọi doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để chính quyền địa phương, một số HTX trong cánh đồng lớn của huyện và doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau, từ đó nắm bắt được nhu cầu và sự mong muốn hợp tác giữa các bên, đặc biệt là nắm bắt được thông tin từ doanh nghiệp về nhu cầu thị trường xuất khẩu gạo để có kế hoạch chọn giống lúa canh tác cho phù hợp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ những cách làm này mà mức thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. Tính đến tháng 6 năm nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 34,2 triệu đồng/người/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, có 32/54 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 59,3%); 51/54 xã đạt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất (chiếm 94,4%). Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời, từ đó tạo được ý thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đều thể hiện rõ sự quyết tâm cao trong việc triển khai các giải pháp nhằm sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, nhất là những xã khi được đưa vào lộ trình phấn đấu được công nhận xã NTM hàng năm. Vì vậy, sau gần 8 năm nỗ lực xây dựng NTM diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Trong đó, việc sản xuất của người dân đang phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố, ổn định.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, hướng tới Hậu Giang sẽ tiếp tục phát huy những cách làm hay trong xây dựng NTM và dần khắc phục những mặt còn hạn chế để quá trình xây dựng NTM của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn. Trong đó, những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì tiếp tục đề ra kế hoạch thực hiện theo bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh để hướng đến trở thành xã NTM kiểu mẫu. Riêng các xã chưa về đích NTM thì không ngừng nỗ lực để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM của Trung ương. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, nhận hỗ trợ, đỡ đầu các xã NTM với trách nhiệm chính trị và hành động cụ thể; đồng thời, xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm trong công tác phối hợp tham gia xây dựng hoàn thành các tiêu chí để xã được hỗ trợ có thể về đích NTM đúng hẹn.

Kết thúc giai đoạn 1 (2010-2015), Hậu Giang có 12/54 xã đạt chuẩn NTM. Sang giai đoạn 2 (2016-2020) xây dựng NTM, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu sẽ có thêm 16 xã đạt chuẩn NTM. Đến thời điểm này đã công nhận thêm được 12 xã (đạt 75% chỉ tiêu nghị quyết), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM hiện nay của tỉnh là 24/54 xã. Hiện Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ công nhận thêm 6 xã NTM nữa, vượt 2 xã so với chỉ tiêu nghị quyết. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>