Khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp

20/06/2019 | 08:04 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở ấp Trường Phước dần hình thành, tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất và tiêu thụ.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, đến nay xã đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Hè thu với diện tích gần 1.738ha, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha. Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: Xã tập trung chỉ đạo thực hiện việc xuống giống đồng loạt, đúng lịch thời vụ và sử dụng giống lúa chất lượng. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, triển khai lịch xuống giống, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên lúa đến bà con… để nâng cao năng suất và chất lượng. Trong vụ Hè thu, xã còn có 68ha áp dụng mô hình canh tác lúa theo hướng thông minh, xây dựng cánh đồng lớn ở khu vực ấp Trường Thọ, Trường Thọ A và Trường Phước A, tổng diện tích 613ha.

Vừa thu hoạch vụ lúa Hè thu cách đây 2 ngày, ông Triệu Văn Cáo, ở ấp Trường Thọ A, cho biết: “Mấy ngày qua, dù có lúc mưa nhiều nhưng cánh đồng 1ha của nhà tôi không bị ảnh hưởng nhiều, thời điểm thu hoạch cũng rơi vào lúc nắng ráo. Không phải riêng tôi mà một số hộ trong ấp cùng trồng giống lúa OM5451 cũng mừng vì năng suất vụ này đạt trên 900kg/công (1.300m2), còn cao hơn so với vụ Hè thu năm ngoái”. Tuy nhiên, giá thu mua ở mức 4.600 đồng/kg làm niềm vui của ông Cáo không trọn vẹn. So với năm ngoái thì giá này đã giảm gần 1.000 đồng/kg, do đó lợi nhuận không tăng.

Hiểu được những lo lắng về giá cả của người dân, hàng năm UBND xã đều tổ chức từ 1-2 đợt gặp gỡ giữa bà con nông dân và các doanh nghiệp bao tiêu lúa trong và ngoài địa phương để có hình thức liên kết, bao tiêu lúa cho người dân. Qua đó, có thể giảm được rủi ro khi bán qua “cò lúa”, hạn chế tình trạng ép giá. Đồng thời, vận động người dân tham gia cánh đồng lớn, sử dụng lúa giống chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giá bán ra cũng cao hơn. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có 1 HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Bên cạnh sản xuất lúa, địa phương còn tập trung phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, trồng màu và cải tạo vườn tạp, khuyến khích xen canh lấy ngắn nuôi dài, chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập. Một trong những mô hình đang “ăn nên làm ra” và được bà con phát triển trên địa bàn xã là trồng thanh long ruột đỏ. Ở ấp Trường Phước còn hình thành tổ liên kết sản xuất gồm 7-8 hộ để hỗ trợ sản xuất và trao đổi kinh nghiệm trồng thanh long.

Anh Nguyễn Tất Đạt, ở ấp Trường Phước đã lên liếp làm vườn từ 10 công ruộng của gia đình cách đây 3 năm. Trong đó, anh trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 3 công với 310 trụ xi măng. Nhờ siêng năng chăm sóc, học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật mà mỗi đợt thu hoạch vườn thanh long nhà anh đều cho sản lượng từ 700-800kg. Nếu điều kiện thuận lợi và chăm sóc tốt, tỷ lệ trái loại 1 đạt trên 30%, mỗi công mang lại cho anh Đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Anh Đạt chia sẻ thêm: “Diện tích vườn còn lại tôi tiếp tục trồng hơn 300 cây hạnh và 450 cây bưởi da xanh. Tháng 7 tới đây bưởi sẽ cho lứa trái đầu tiên, còn hạnh mỗi lần hái từ 70-80kg. Thu hoạch xong, gia đình chở ra vựa bán với giá 8.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái vào thu mua tận nơi 2.000 đồng/kg. Tuy công việc bận rộn hơn trước, nhưng vườn cây mang lại thu nhập cao hơn so với khi còn làm ruộng, cuộc sống gia đình khá lên từ đó”.

Hiện nay, do chưa có vựa thu mua tại địa phương nên anh Đạt và những hộ trồng thanh long ruột đỏ trong ấp liên kết để chở thanh long qua vựa ở tỉnh Vĩnh Long để bán. Mỗi chuyến thu gom của 2-3 hộ nên chi phí chuyên chở cũng giảm đi đáng kể. Hơn nữa, bà con còn phụ giúp nhau khi tới đợt thu hoạch, do đó không ai phải tốn tiền thuê mướn nhân công.

Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: Trong thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo xuống giống vụ lúa Thu đông đồng loạt, đúng lịch thời vụ. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ liên kết, hợp tác xã và tìm kiếm đối tác uy tín để có hợp đồng bao tiêu. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nâng cao năng suất và chất lượng nông sản bền vững.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>