Làm nông thời hiện đại

11/02/2024 | 09:00 GMT+7

Sau 20 năm thành lập, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự vươn mình mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu thời đại và tạo ra sản phẩm đáp ứng người tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (bìa trái hàng đầu), đánh giá cao việc thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao của nông dân Hậu Giang, góp phần tạo dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Những cánh đồng không dấu chân

Đầu tháng Chạp, nhiều đồng lúa xanh mơn mởn đang bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ. Ông Nguyễn Văn Em, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đang rảo quanh ruộng nhà mình tự tin chia sẻ rằng trước đây việc thực hiện cánh đồng không dấu chân thì khó, chứ bây giờ thì vấn đề này hoàn toàn có thể làm được.

Trực tiếp đi thăm đồng cùng nông dân, ông Trần Văn Huyến (bìa trái), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Đồng Văn Thanh (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nghe người dân chia sẻ về sự đổi thay trong canh tác lúa hiện nay.

“Minh chứng là ngay trong vụ lúa Đông xuân này, tôi và một số nông dân tại cánh đồng nơi đây được ngành nông nghiệp tỉnh chọn thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh (diện tích 8ha) theo Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình thì từ khâu gieo sạ (sử dụng máy cấy kết hợp bón vùi phân một lần) đến thu hoạch sắp tới đều được áp dụng bằng cơ giới hóa, nông dân chỉ đứng trên bờ nhìn chứ không phải lội xuống ruộng làm như trước nữa. Nhờ khoa học công nghệ mà giờ làm ruộng khỏe thật”, ông Em chia sẻ thêm.

Nông dân Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để hình thành cánh đồng lúa không dấu chân.

Để ngày càng nâng cao tỷ lệ người dân ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng không dấu chân dưới ruộng; góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa gạo và giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua sắm trang thiết bị về máy cấy, thiết bị bay không người lái dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật và gieo sạ…

Ngồi nhâm nhi ly trà nóng trong cái nắng pha chút gió xuân, ông Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Trung, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, khoe là trước khi xuống giống vụ lúa Đông xuân năm nay, HTX được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn để mua chiếc máy bay không người lái về phục vụ nhu cầu phun thuốc trên đồng ruộng cho bà con xã viên và những hộ xung quanh. Từ khi có chiếc máy này, công việc phun thuốc bảo vệ thực vật của người dân đã không còn là gánh nặng trước tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn như hiện nay.

“Có thể thấy, việc phun thuốc cho ruộng lúa bằng máy bay không người lái vừa nhanh, hiệu quả, tiết kiệm mà lại an toàn. Mặt khác, nông dân không phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc, đồng thời lượng nước phun bằng máy bay không người lái rất hạn chế so với cách phun truyền thống, từ đó bảo vệ môi trường sống trong lành. Đặc biệt, khi phun thuốc, bón phân bằng thiết bị bay thì không có dấu chân nông dân lội dưới ruộng nên cây lúa không bị ảnh hưởng, từ đó có thể tăng thêm năng suất khoảng 100kg lúa/ha khi thu hoạch”.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện tại, tỉnh đã hình thành được các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng chuyên cung cấp các dịch vụ và phục vụ nhu cầu về sử dụng cơ giới hóa cho sản xuất lúa của người dân. Tới đây, ngành sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả cách làm “cánh đồng lúa không dấu chân” để giúp người dân làm ruộng nhưng chẳng khi nào chân lấm tay bùn, mà thay vào đó là tận dụng tối đa máy móc, thiết bị thông minh vào sản xuất.

Cuộc cách mạng về giống, kỹ thuật sản xuất

Ngoài sự đổi thay về cơ giới hóa trên cánh đồng lúa thì điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang trong 20 năm qua là việc nông dân thay đổi tư duy mạnh mẽ về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, điểm nổi bật đầu tiên là nông dân Hậu Giang đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa từ nhóm chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đặc biệt, hiện Hậu Giang đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha. Năng suất lúa bình quân của tỉnh trong gần 10 năm qua tăng từ 5,8 tấn/ha (năm 2014) lên 6,67 tấn/ha (năm 2023) và hiện tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh đạt gần 180.000ha/năm. Bước tiến tiếp theo trong ngành hàng lúa gạo của tỉnh trong thời gian tới là tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai khoảng 28.000ha lúa chất lượng cao; đến năm 2030 sẽ tăng lên 46.000ha theo mục tiêu Đề án phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Bên cạnh cây lúa, nông dân Hậu Giang đã và đang thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên nhiều lĩnh vực cây trồng, vật nuôi đang tạo đột phá mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, đặc biệt là áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Trong đó, nhiều diện tích từ cây chanh không hạt, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, mít,… được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đủ điều kiện xuất ngoại.

Ông Nguyễn Văn Mãn, có 1,6ha chanh không hạt và chôm chôm ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, phấn khởi cho biết: “Ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây ăn trái thì tôi cùng nhiều bà con nơi đây còn ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây của gia đình nhằm giảm công lao động và tiết kiệm chi phí. Nhờ vườn chanh không hạt và chôm chôm luôn đạt năng suất cao, từ đó tạo được nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.

Ngoài cây ăn trái thì nhiều diện tích rau màu của tỉnh được nông dân trồng trong nhà màng khép kín gắn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt và trồng rau màu theo mô hình thủy canh sinh thái. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng phát triển ổn định theo nhu cầu thị trường; còn thủy sản, nông dân Hậu Giang tập trung vào một số loài đặc trưng như: cá thát lát, cá tra, lươn đồng, ba ba…

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho hay: Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 và các thiết bị canh tác hiện đại trên địa bàn tỉnh đã giúp giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thực hiện chương trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, hiện toàn tỉnh có 1.059ha lúa đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng gần 16.500 tấn/năm, diện tích đạt chuẩn GlobalGAP là 180ha, sản lượng là 800 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh có 7 mã số vùng trồng trên cây lúa, với diện tích 282ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn/năm.

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>