Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp

05/01/2024 | 07:18 GMT+7

Để phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, ngành nông nghiệp tỉnh còn tập trung nâng cao tư duy và kỹ năng sản xuất cho người nông dân thông qua đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn cao.

Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật mà nông dân sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: T.TRÚC

Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2022 huyện Phụng Hiệp đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Cần Thơ trong phát triển nguồn nhân lực.

Sau khi ký kết hợp tác, Trường Đại học Cần Thơ đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác cho đội ngũ kỹ thuật các xã, thị trấn trong huyện. Cũng từ những lớp tập huấn này mà trong năm 2023 anh Lý Út Nữa, cán bộ kỹ thuật thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn ứng dụng những kiến thức đã học để hỗ trợ nông dân ở địa phương xây dựng thành công 30 mô hình sản xuất mới như: Mô hình tuần hoàn, chăn nuôi các loài động vật hoang dã, nuôi thủy sản, chăn nuôi heo theo hướng sạch.

Anh Út Nữa cho biết: “Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch thì thời gian qua cán bộ kỹ thuật của thị trấn cũng đã được ngành nông nghiệp huyện cho tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, nắm được kỹ thuật mới để truyền đạt lại cho người dân. Thông qua cách làm này từng bước nâng cao được trình độ và kỹ năng sản xuất cho nông dân”.

Gia đình có gần 1ha lúa, do quen với tập quán sản xuất truyền thống của ông cha để lại nên năng suất lúa hàng năm nếu không đạt thấp thì giá bán lại không ổn định. Nhưng từ khi tham gia vào các lớp tập huấn nông nghiệp được địa phương tổ chức, ông Lê Hoàng Dũng, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã dần nhận ra những hạn chế của tập quán sản xuất cũ và những ưu điểm của các quy trình sản xuất mới. Nếu trước đây việc sử dụng phân thuốc cho lúa theo cảm tính thì hiện nay ông Dũng đã biết quan sát quá trình sinh trưởng của cây lúa để bón phân, phun thuốc cho phù hợp. Nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, năng suất lúa còn tăng đáng kể.

Ông Dũng cho biết: “Nếu trước kia mình làm riêng lẻ, thường làm theo phương thức truyền thống, hiệu quả đạt không cao. Nhưng từ khi được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật trong canh tác lúa, biết quan sát nhận biết dịch hại hay thời gian sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật cho hợp lý để vừa giảm được chi phí trong canh tác vừa nâng cao được năng suất và phẩm chất hạt lúa.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trong hai năm 2022 và 2023, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các doanh nghiệp mở 135 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thu hút gần 5.300 lượt nông dân tham gia. Thực hiện tư vấn và hướng dẫn trực tiếp ngoài đồng ruộng cho 4.800 lượt nông dân về kỹ thuật quản lý dịch hại trên cây ăn trái, mía, rau màu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức 19 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn cho 475 lao động, qua các lớp đào tạo đã từng bước nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, nuôi động vật hoang dã.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, tuy nhiên phần lớn người dân đều sản xuất theo phương thức truyền thống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật có thực hiện nhưng vẫn còn chậm hơn so với vùng nông nghiệp trong tỉnh. Chính vì thế, mục đích hướng đến của huyện Phụng Hiệp khi ký kết hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ là từng bước nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là từng bước cải thiện được trình độ thâm canh, sản xuất của người dân. Qua hai năm ký kết hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ, các khoa của trường đã hỗ trợ huyện trong việc tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác trên cây lúa, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Kỹ thuật canh tác từng bước được nâng cao minh chứng qua chất lượng và năng suất nông sản của huyện từng bước được cải thiện. Góp phần đưa giá trị sản xuất lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của huyên Phụng Hiệp năm 2023 cán đích hơn 4.000 tỉ đồng, tăng hơn 73 tỉ đồng so với năm 2022, mặc dù cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của huyện năm nay giảm hơn 3,9%.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết, thời gian qua đã phối hợp tốt với các viện, trường tổ chức nhiều buổi tập huấn tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Các hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực huấn luyện đào tạo thường xuyên được tổ chức và triển khai rộng khắp với phương pháp được đổi mới về cả hình thức và nội dung để đáp ứng theo yêu cầu thực tế sản xuất và nhu cầu của bà con nông dân. Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo là một trong 5 nhiệm vụ quan trọng của khuyến nông nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hệ thống khuyến nông đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân. Trong 20 năm qua, kể từ khi thành lập tỉnh, từ nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cho gần 1 triệu lượt người tham gia về kỹ năng, phương pháp hoạt động khuyến nông và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức được trên 644 lớp đào tạo và nâng cao phương pháp khuyến nông cho trên 19.320 lượt cán bộ, cộng tác viên khuyến nông và nông dân tiêu biểu; hơn 100 cán bộ và cộng tác viên khuyến nông đã được cấp chứng nhận TOT. Tổ chức biên soạn hơn 30 loại tài liệu kỹ thuật, tập trung các đối tượng cây con chủ lực của tỉnh. Cập nhật các quy trình kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ người dân trong tỉnh có nhu cầu áp dụng vào thực tế sản xuất.

Công tác khuyến nông sau 20 năm qua, đã có nhiều thay đổi trong phương pháp tập huấn, đào tạo, từ chỗ cung cấp thông tin một chiều từ giảng viên đến học viên sang phương pháp tiếp cận có sự tham gia của học viên, lấy người học làm trung tâm… Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã được chuyển giao đến người nông dân đóng góp vào việc thay đổi phương thức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, ngoài nguồn kinh phí thường xuyên, các huyện, thị xã, thành phố còn tận dụng nguồn kinh phí địa phương tổ chức 6.753 cuộc tập huấn cho nông dân với 219.618 lượt người tham dự. Nội dung tập huấn được thực hiện trên các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, khuyến công, kỹ năng quản lý và điều hành nhóm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nòng cốt… Các cuộc tập huấn đi sâu vào các chuyên đề trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kỹ năng quản lý câu lạc bộ, kinh tế nông hộ…

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>