Phong phú sản phẩm OCOP vùng miền

19/12/2023 | 08:38 GMT+7

Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành có dịp hội tụ tại Hậu Giang, đây không chỉ là cơ hội quảng bá thương hiệu cho bạn bè gần xa, mà còn mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều gian hàng gây ấn tượng cho du khách về cách trưng bày, các sản phẩm đa dạng, mẫu mã bắt mắt.

Mở ra cơ hội lớn

Khu trưng bày sản phẩm OCOP được sắp xếp trật tự, không gian rộng rãi với 63 gian hàng mang theo nhiều sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành trong đó Hậu Giang tự hào đóng góp 4 gian hàng tại khu trưng bày với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như cá thát lát, khóm, trà mãng cầu, các sản phẩm gạo và chế biến từ gạo... Được biết, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang là 251 sản phẩm, thu hút sự chú ý của du khách bằng sự đa dạng mẫu mã và đảm bảo về chất lượng. Trong đó, 92 sản phẩm được đánh giá 4 sao và 159 sản phẩm đạt 3 sao, khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Đông đảo du khách đến tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP độc đáo từ các tỉnh, thành.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 không chỉ là cơ hội để trưng bày, quảng bá các sản phẩm độc đáo từ các vùng miền khác nhau, mà còn là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. Đồng thời là một cơ hội quý báu để xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác, không chỉ giữa các tỉnh, thành mà còn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, đồng thời thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác bền vững trong lĩnh vực OCOP.

Chị Phạm Thị Hoàng Phi, đại diện từ tỉnh Đắk Lắk, cho biết bản thân đánh giá cao cách tổ chức của lễ hội, với sự sắp xếp thông minh của gian hàng, tạo nên không gian trưng bày ấn tượng và thuận lợi cho việc tìm hiểu, mua sắm. Khi đến với Festival lúa gạo lần này, tỉnh Đắk Lắk mang theo các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, hạt Macca, sầu riêng sấy,… với mong muốn có cơ hội giao lưu, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với lượng khách tham quan đông đảo đã tạo điều kiện tốt để trưng bày sản phẩm và nắm bắt cơ hội hợp tác.

Đến từ đơn vị tỉnh nhà, bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khi được trưng bày tại Festival là một điều vinh dự của cơ sở, đặc biệt hơn là sự đón nhận và yêu thích đối với các sản phẩm OCOP từ du khách trong nước lẫn khách quốc tế. Các sản phẩm gia tăng giá trị từ hạt tấm gạo được trưng bày tại gian hàng như rượu Lão Tửu Út Tây, rượu Lão Tửu Đông Trùng Hạ Thảo Út Tây,… được đóng gói nhiều kiểu bao bì, mẫu mã đa dạng, đủ các mặt hàng, đảm bảo chất lượng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến với du khách lẫn các doanh nghiệp”.

Phát huy lợi thế từ sản phẩm OCOP

Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua các địa phương đã chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP để góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển. Nhờ đó mà chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đệm để kinh tế địa phương ngày càng phát triển, giá trị hàng hóa ngày càng được nâng cao.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 không chỉ được diễn ra vào thời điểm vàng khi thị trường lúa gạo của nước ta vô cùng sôi động, mà còn là dịp các sản phẩm OCOP nở rộ và thu hút đông đảo du khách quan tâm, nhờ sản phẩm đặc trưng của tỉnh đem đến Festival Quốc tế lúa gạo lần này mà người dân Hậu Giang nói riêng và du khách nói chung có dịp tận mắt nhìn thấy những đặc sản của các tỉnh, thấy được hướng phát triển và thành quả của người dân mọi vùng miền.

Đến với khu trưng bày của tỉnh Bến Tre, du khách không chỉ có ấn tượng bởi cách sắp xếp và số lượng hàng hóa được trưng bày, mà còn bởi sự đông đúc, nhộn nhịp tại gian hàng. Anh Trịnh Quang Hải, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bến Tre, vui vẻ cho biết: “Từ ngày đầu tiên, gian hàng đã đón được nhiều du khách hơn số lượng được kỳ vọng. Nhiều khách đến để nghe tư vấn về sản phẩm OCOP của địa phương và đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng của sản phẩm. Từ vùng trồng nhiều dừa, Bến Tre đã phát triển ra nhiều loại kẹo dừa, đến nay khi nhắc đến tỉnh Bến Tre không ai xa lạ với loại kẹo đặc sản này nữa”.

Một du khách đến tham dự Festival chia sẻ bản thân cảm thấy rất vui khi đến lễ hội, được khám phá những sản phẩm độc đáo, những gian hàng thực phẩm ngon và trải nghiệm mới lạ khi được trông thấy nhiều sản phẩm từ nhiều tỉnh, thành hội tụ tại Hậu Giang như vậy.

Thông qua Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 lần này không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Sự hội tụ, liên kết của các chủ thể OCOP để cùng nhau chung tay xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ và mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>