Sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi làm dịch tả heo châu Phi lan nhanh

10/06/2019 | 08:42 GMT+7

Chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang về tình hình dịch tả heo châu Phi, cũng như đánh giá công tác ứng phó dịch bệnh này của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua, đồng thời lưu ý một số giải pháp trong phòng, chống nhằm hạn chế lây lan sang diện rộng, ông Bạch Đức Lữu (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, cho biết:

- Dịch tả heo châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 2 vừa qua. Hiện tại đã có 3.775 xã, với 369 huyện của 58 tỉnh, thành phố trong cả nước có heo mắc bệnh dịch tả này, trong đó toàn bộ 10 tỉnh của khu vực Nam sông Tiền bị dịch tả heo châu Phi phủ kín. Tổng số heo mắc bệnh bị chết và tiêu hủy đến thời điểm này của cả nước là 2,2 triệu con. Riêng tỉnh Hậu Giang, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì tính đến ngày 7-6 vừa qua, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với 80 ổ dịch, số heo đã tiêu hủy là 3.182 con (chiếm hơn 12% tổng số heo buộc phải tiêu hủy của khu vực các tỉnh phía Nam), ước thiệt hại hơn 7 tỉ đồng. Hiện tại, Hậu Giang là tỉnh đứng thứ 3 của các tỉnh, thành phía Nam có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi bị tiêu hủy nhiều nhất.

Về công tác ứng phó, trước và ngay khi những ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên thì Chính phủ đã triển khai nhiều công tác phòng, chống. Trong đó, tính đến nay, Chính phủ đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện các giải pháp dập dịch, đồng thời Chính phủ trực tiếp tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo các địa phương quyết tâm hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn tổ chức cuộc họp với lãnh đạo một số tỉnh, thành có số heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi nhiều để cùng tìm ra cơ chế, chính sách phù hợp nhất trong chỉ đạo điều hành nhằm khống chế dịch bệnh được hiệu quả, hạn chế sự lây lan.

Hậu Giang đang tăng cường tiêu độc, khử trùng người và phương tiện khi ra, vào vùng có dịch tả heo châu Phi.

Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh trong thời gian qua ?

- Qua ghi nhận thì heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi ở Hậu Giang và nhiều địa phương khác trong cả nước chủ yếu xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và sử dụng nguồn thức ăn dư thừa tại nhiều cơ sở chế biến, quán ăn để làm thức ăn cho heo… Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan từ heo sang heo chỉ chiếm khoảng 18% vì các địa phương đã lập các chốt, trạm kiểm soát heo ra, vào địa bàn mình phụ trách rất chặt chẽ. Trong khi dịch tả heo châu Phi lây từ nguồn thức ăn dư thừa lại chiếm đến 40%, bởi đây là vấn đề khó quản lý và người chăn nuôi thì thiếu thông tin về vấn đề này. Một nguyên nhân còn lại là do người và phương tiện di chuyển đã mang theo vi-rút từ vùng có dịch sang vùng không có dịch. Mặt khác, công tác xử lý ổ dịch ở nhiều nơi còn chậm, nhất là ổ dịch có số lượng heo mắc bệnh lớn (trên 1.000 con như của một hộ dân ở thị xã Ngã Bảy), từ đó làm cho vi-rút phát tán nhanh; đồng thời một bộ phận người dân khi thấy heo có bệnh thì không báo cáo cho ngành chức năng xử lý mà tìm cách bán cho thương lái…   

Qua kiểm tra thực tế tại Hậu Giang, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trong thời gian qua của ngành chức năng tỉnh ?

- Giống như nhiều tỉnh, thành khác của vùng ĐBSCL, thời gian qua, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở của Hậu Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi, đặc biệt Hậu Giang là tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi nên công tác ứng phó được địa phương thực hiện rất quyết liệt. Cụ thể là tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như đề ra nhiều kịch bản phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hậu Giang đã lập nhiều chốt để giám sát chặt tình hình vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh, trong đó trọng tâm là tại hai chốt trên tuyến Quốc lộ 61C, cũng như thường xuyên giám sát chặt tại các cơ sở giết mổ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi biết được sự nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi mà có giải pháp chủ động phòng, chống nhằm bảo vệ tài sản của mình.

Ngoài ra, khi ổ dịch xảy ra thì ngành chăn nuôi và thú y các cấp đã phối hợp chặt với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh và chết đúng các bước theo quy trình, đồng thời lập nhiều chốt tiêu độc khử trùng người và phương tiện khi ra vào vùng có ổ dịch xảy ra, cũng như tiêu độc chuồng trại có heo mắc bệnh và tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Hậu Giang còn phối hợp với một số tỉnh, thành giáp ranh trong việc xác định những vùng nào trọng tâm của các ổ dịch tả heo châu Phi để cùng nhau phòng ngừa, hạn chế lây lan…

Theo ông, dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời gian qua có phải là do công tác phòng chống của tỉnh chưa thật sự hiệu quả ?

- Dù tỉnh Hậu Giang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi nhưng tình hình dịch bệnh vẫn lây lan với tốc độ nhanh và gây ảnh hưởng lớn cho người chăn nuôi. Điều này cho thấy, tuy tỉnh đã quyết liệt nhưng vẫn còn những lỗ hỏng nên cần nghiên cứu để khống chế dịch bệnh được hiệu quả hơn. Nếu không khéo thì dịch tả heo châu Phi sẽ tiếp tục lây lan sang 3 huyện, thành phố còn lại và dần bao phủ các huyện, xã trong tỉnh, từ đó gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Hiện tại, Hậu Giang đã có 3.182 con heo bị tiêu hủy vì mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. 

Để công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi đạt hiệu quả, ông có những lưu ý gì đối với ngành chức năng của tỉnh trong thời gian tới ?

- Trước tiên, ngành chức năng tỉnh cần rà soát lại các quy trình trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi thời gian qua, cũng như đưa ra những nhận định về nguyên nhân bệnh lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Từ sự rà soát kỹ lưỡng này, ngành chức năng của tỉnh sẽ biết được điểm nào còn yếu, những vấn đề gì chưa thực hiện để có giải pháp khắc phục kịp thời. Mặt khác, do dịch tả heo châu Phi hiện chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị, tốc độ lây lan nhanh khi heo mắc bệnh, đồng thời tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tương đối nhiều nên công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và quan tâm đến việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cũng như không sử dụng thức ăn dư thừa từ nhiều nơi làm thức ăn cho heo là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này ra khỏi chuồng trại, từ đó bảo vệ tài sản của chính mình.

 Bên cạnh đó, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần quản lý chặt từ đầu vào đến đầu ra tại các cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh. Việc làm này không chỉ ngăn dịch tả heo châu Phi lây lan, mà còn tạo sự an tâm để người tiêu dùng không có tâm lý quay lưng với thịt heo trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, ngành thú y tỉnh khẩn trương có giải pháp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ thú y cơ sở nắm kỹ về công tác xử lý tại các ổ dịch, nhất là trang phục, khâu tiêu độc sát trùng để không đem vi-rút ra bên ngoài, đồng thời chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường không khí và nước tại những điểm chôn heo bị bệnh. Ngoài thường xuyên kiểm soát chặt việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật thì ngành chức năng tỉnh cần quan tâm hơn công tác tiêu độc, khử trùng kể cả người và phương tiện ra vào tại vùng có dịch và vùng không có dịch để hạn chế dịch tả heo châu Phi phát sinh điểm mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>