Tạo động lực cho nông nghiệp phát triển

29/02/2024 | 07:33 GMT+7

Huyện Châu Thành A đang tập trung mọi nguồn lực, tiềm lực để tạo động lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Thành viên của Hợp tác xã Mùa Vàng đang vào vụ thu hoạch lúa.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác, huyện luôn quan tâm cho sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả kinh tế, kết nối đầu ra sản phẩm để nâng cao đời sống người dân. Sau Tết Nguyên đán, huyện tập trung cho vụ lúa Đông xuân năm 2023-2024 và đề phòng xâm nhập mặn vào vườn cây ăn trái. Theo đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương trên địa bàn nắm tình hình thu hoạch lúa Đông xuân, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng ký kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để kịp thời khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là trên cây sầu riêng.

Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành A đang thu hoạch lúa Đông xuân. Theo ghi nhận, vụ lúa này bà con thu hoạch đều phấn khởi bởi vì đạt năng suất. Ông Trần Ngọc Tần, Giám đốc Hợp tác xã Mùa Vàng, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, cho hay: Hợp tác xã có 78 thành viên, với tổng diện tích đất trồng lúa là 210ha, trong đó có 50ha trồng lúa đạt chuẩn GlobalGAP được bao tiêu với giá hiện tại 7.800 đồng/kg, cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Hiện tại, lúa đang thu hoạch, năng suất đạt từ 8,5-9 tấn/ha, so với vụ Đông xuân năm rồi thì năng suất cao hơn 1 tấn/ha. Với giá bán hiện tại,vụ Đông xuân năm nay sau khi trừ hết chi phí thì lợi nhuận thu được từ 50 triệu đồng/ha. Để tăng lợi nhuận cho các thành viên, hợp tác xã luôn hợp tác tìm đầu ra cho người nông dân được ổn định.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết, toàn huyện có trên 96% diện tích trồng lúa chất lượng cao. Cho tới thời điểm này, vụ lúa Đông xuân đã thu hoạch được 1.204/7.106ha. Bình quân năng suất lúa khô đạt từ 7,62 tấn/ha, giá bán dao động 7.600-7.800 đồng/kg, khi trừ chi phí lợi nhuận đạt từ 30-40%. Để giúp người trồng lúa tăng lợi nhuận, đầu ra ổn định hơn, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục mời gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu trên địa bàn.

Sau vụ lúa Đông xuân, để chuẩn bị tốt cho xuống giống vụ lúa Hè thu tới cũng như bảo vệ vườn cây ăn trái, huyện Châu Thành A đã ban hành kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn năm 2024. Ông Nguyễn Hoài Thanh, Phó trưởng Trạm thủy lợi huyện Châu Thành A, cho biết: Hiện nay, huyện tập trung tuyên truyền vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt khi có hạn, xâm nhập mặn. Tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả. Phổ biến, hướng dẫn kịp thời đến người dân các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng ứng phó khi có xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Hiện toàn huyện có tổng diện tích vườn cây ăn trái 6.400ha, với các loại cây trồng chủ yếu là mít, nhãn Ido, sầu riêng, xoài, chanh không hạt. Trong đó, có 715,6ha trồng sầu riêng, hiện tại có 250ha đang cho trái. Ông Trần Văn Sinh, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, cho biết: Đối với cây ăn trái, toàn huyện được 43 mã vùng trồng, 5 vùng trồng sầu riêng đang được cấp. Trong thời gian qua, để bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn phát triển tốt, bên cạnh đầu tư hệ thống cống, đập phục vụ sản xuất, huyện luôn quan tâm thực hiện các giải pháp về kỹ thuật trồng. Bình quân mỗi năm huyện triển khai 70 cuộc tập huấn về kỹ thuật.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, dự báo vụ lúa Hè thu năm 2023-2024 trên địa bàn huyện không ảnh hưởng mặn. Dù vậy, hiện nay, huyện vẫn thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện công tác trực, báo cáo công tác phòng, chống các loại hình thiên tai diễn ra trên địa bàn huyện. Theo đó, trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta trồng lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp huyện còn vận động người dân tận dụng rơm rạ để sử dụng trong nuôi, trồng để hạn chế ô nhiễm môi trường, lồng ghép các chính sách cho người dân tham gia Đề án…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>