Thống nhất 7 danh mục hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình OCOP

27/08/2020 | 09:40 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 26-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với một số sở, ngành liên quan của tỉnh, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (vốn hỗ trợ đầu tư hợp tác xã) và danh mục thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh trong năm 2020.

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh (đứng) báo cáo 7 danh mục hỗ trợ ngành nghề nông thôn và sản phẩm OCOP.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 đã phân bổ cho 7 địa phương trong tỉnh (trừ huyện Châu Thành) với số tiền hơn 33,3 tỉ đồng để hỗ trợ cho 31 hợp tác xã (HTX) thực hiện các công trình, dự án cần thiết. Trong đó, kế hoạch phân bổ vốn năm 2019 là 10 tỉ đồng nhưng không có giá trị giải ngân nên chuyển sang năm 2020 với tổng kinh phí của cả nguồn trung hạn. Tuy nhiên, qua theo dõi thì tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư của các dự án khá chậm, từ đó kéo theo tiến độ  giải ngân vốn đạt thấp. Cụ thể, trong 31 dự án đầu tư cho 31 HTX, đến nay chỉ có 9 dự án đang thi công, 15 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, 5 dự án chưa có mặt bằng, 2 dự án không triển khai. Từ tiến độ thực hiện trên nên hiện giá trị giải ngân vốn mới đạt gần 7,5/33,3 tỉ đồng, chiếm 22%. Báo cáo về nguyên nhân giải ngân vốn chậm, lãnh đạo một số địa phương cho rằng do vị trí xây dựng một số HTX không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên nhiều dự án chưa triển khai; mặt khác, nhiều HTX không có đất xây dựng dự án được hỗ trợ và HTX chưa thỏa thuận được trong thuê mặt bằng.

Đối với danh mục thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh đã lựa chọn 7 danh mục hỗ trợ, gồm: hỗ trợ máy, thiết bị; in bao bì các sản phẩm; thiết kế và in tem, logo, nhãn mác, cấp mã vạch; chứng nhận các tiêu chí ISO 9001, VietGAP, GlobalGAP, GMP; phân tích mẫu các sản phẩm OCOP; xúc tiến đầu tư và tham gia hội chợ triển lãm; tư vấn, quản lý, tổ chức thực hiện sản phẩm OCOP. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các danh mục trên trong năm 2020 là hơn 4 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 2,4 tỉ đồng, nguồn còn lại do chủ thể đối ứng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị các địa phương cần có giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn trong việc triển khai các dự án đầu tư cho HTX để tăng tỷ lệ giải ngân vốn, đảm bảo đến cuối năm nay hoàn thành theo chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh. Những địa phương đã giải ngân vốn tốt thì tranh thủ hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định. Bên cạnh đó, những địa phương khó trong quá trình thực hiện các dự án và có HTX không nhận tiền hỗ trợ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xem xét thu hồi vốn để phân bổ cho những địa phương đang có nhu cầu. Trong đó, địa phương nào có nhu cầu bổ sung vốn hỗ trợ HTX thì trong ngày 27-8 phải có văn bản đề nghị gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nắm và tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ. Đối với danh mục thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình OCOP, trước mắt thống nhất với đề xuất của Văn phòng điều phối NTM tỉnh. Trong đó, đề nghị hai địa phương chưa có sản phẩm OCOP cấp tỉnh là thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành cần tranh thủ rà soát các sản phẩm của địa phương và sớm chọn sản phẩm trình hội đồng thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh xem xét công nhận sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP…  

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>