Tích cực chuyển đổi cây trồng

27/03/2019 | 10:07 GMT+7

Từ năm 2018 đến nay, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tích cực chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả nằm ngoài vùng đê bao sang các mô hình có hiệu quả cao hơn, qua đó giúp tăng giá trị của đất nông nghiệp và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng dưa hấu mang lại cho gia đình ông Mười nguồn thu nhập cao hơn so với trồng mía kém hiệu quả trước đây.

Dù đã xế chiều nhưng ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, còn bận rộn ngoài ruộng dưa hấu. Vừa tưới nước, ông Mười vui vẻ chia sẻ rằng 5 công dưa hấu này còn khoảng 18 ngày nữa là đến thu hoạch. Mấy ngày nay đã có thương lái tới bỏ cọc với giá 5.200 đồng/kg. Theo tính toán của ông, vụ này ruộng dưa có thể đạt năng suất chừng 5 tấn/công, sau khi trừ chi phí mỗi công có thể mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

Theo lời ông Mười, gia đình ông vốn không phải chuyên trồng rẫy, mà từ đời cha mẹ của ông đã trồng mía và ông cũng tiếp nối và gắn bó với cây mía hơn 25 năm. Kể từ khi mới có những lò đường thủ công chứ chưa có nhà máy lớn như hiện nay. Vài vụ gần đây giá mía giảm, gia đình tự bỏ công làm nhà nhưng tính ra cũng không có lời. Dù vẫn muốn gắn bó với loại cây này nhưng ông Mười đã chuyển 5 công đất mía sang trồng dưa hấu, chỉ giữ lại 5 công mía. Tuy lúc mới chuyển đổi còn khá nhiều bỡ ngỡ, phải bỏ nhiều công sức và thời gian chăm sóc hơn so với mía nhưng vài vụ dưa trúng giá đã mang lại cho ông thu nhập không dưới 100 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Mười, mà một số hộ xung quanh thấy hiệu quả cũng đã bắt đầu trồng dưa hấu. Do mới chuyển đổi nên mọi người cùng nhau làm, rút kinh nghiệm và chia sẻ kỹ thuật để dưa đạt năng suất cao. Trồng dưa ngại nhất vào mùa mưa, nước ngập, tuy nhiên những hộ dân ở đây đều chuẩn bị đắp bờ bao chắc chắn phần diện tích đất của mình. Mùa khô thì bơm nước vào còn mưa cũng bơm nước ra dễ dàng nên có thể trồng được quanh năm.

Ở cùng ấp Long Trường, ông Đoàn Văn Triệu lại chọn một hướng đi khác là chanh không hạt và mít Thái để thay cho diện tích mía kém hiệu quả. Cách đây 2 tháng, ông đã mua 1.500 cây mít giống về trồng trước và đang chăm sóc. Ông cũng đắp bầu đất để chuẩn bị trồng 2.000 cây chanh không hạt. Sở dĩ chọn hai loại này vì ông thấy tiềm năng đầu ra và khả năng đem lại nguồn thu nhập cao hơn. Trong thời gian chăm sóc và chờ cây cho trái, ông Triệu dự định sẽ trồng xen một số loại rau màu để phụ thêm thu nhập hàng ngày.

Ông Mười và ông Triệu là những trường hợp đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện nói chung và xã Hòa Mỹ nói riêng. Thực hiện chương trình của huyện Phụng Hiệp về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, xã Hòa Mỹ cũng đã xây dựng chương trình hành động. Trong đó, định hướng xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng chủ yếu là diện tích mía và vườn cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã, đẩy mạnh công tác vận động chuyển đổi và nhận được sự đồng thuận của người dân nên sau thời gian triển khai, tính đến hết quý I năm 2019 xã đã chuyển đổi được 180ha đất trồng mía và cải tạo 120ha vườn tạp. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển sang trồng chanh không hạt, mít Thái, xoài cát, rẫy dây… Đặc biệt là chanh không hạt theo dự kiến có doanh nghiệp cam kết bao tiêu, hỗ trợ cây giống cho những hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này làm người dân yên tâm sản xuất mà không còn nỗi lo về thị trường hay giá cả.

Ông Lê Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, thông tin: Trong thời gian qua, xã tích cực hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng với 8 công trình, tổng chiều dài gần 12km. Quy hoạch lại hệ thống đê bao khép kín từng khu vực có diện tích từ 50-100ha để đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn đạt hiệu quả. Sắp tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hướng đến hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>