Xu thế của nền nông nghiệp hiện đại

16/01/2024 | 05:11 GMT+7

Nông nghiệp tuần hoàn dù là một khái niệm còn khá mới mẻ với nông dân Hậu Giang. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình đã chứng minh những hiệu quả vượt trội trong việc gia tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ tốt môi trường trong quá trình canh tác.

Nông dân huyện Phụng Hiệp tận dụng nguồn mít dạt làm thức ăn cho dê để giảm chi phí đầu tư. Ảnh: D.KHÁNH

Gia đình có đất sản xuất, nhưng mãi loay hoay với bài toán lợi nhuận, nguyên nhân xuất phát từ chi phí đầu tư cao, hàng hóa nông sản bấp bênh nên cách đây 3 năm được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, ông Tô Hùng, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Theo đó, với 5 công đất của gia đình, ông Hùng dành phân nửa diện tích để trồng lúa, số còn lại trồng hoa màu. Lượng rơm rạ của cây lúa sau khi thu hoạch ông Hùng dự trữ làm thức ăn cho bò, nguồn phân bò được thu gom xử lý, ủ với men vi sinh để nuôi trùn quế bón lại cho rau màu. Nhờ cách làm này mà gia đình ông Hùng giảm được khá nhiều chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất nên lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

“Với cách làm này gia đình giảm được chi phí đầu vào. Ngoài ra, chất lượng nông sản cũng được cải thiện nên giá bán cũng cao hơn so với việc sử dụng phân thuốc hóa học. Chưa kể nguồn phân trùn quế dư, gia đình còn bán cho các nhà vườn trong vùng để tăng thêm thu nhập”, ông Hùng cho biết.

Nông nghiệp tuần hoàn thực chất là quá trình sản xuất theo quy trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tận dụng lượng phế phụ phẩm, tái chế, quay lại làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng tiếp theo. Từ đó tạo ra nguồn sản phẩm sạch, chất lượng, giảm thiểu được tác nhân gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái.

Cũng xuất phát từ hướng đi này, mà 2 năm nay xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đã chủ động xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất khép kín cho nông dân trong xã áp dụng. Tính đến nay, địa phương đã nhân rộng được 3 mô hình, với cách làm như: Trồng cỏ voi - nuôi bò - nuôi trùn quế - nuôi cá thát lát và trồng cây ăn trái.

Anh Nguyễn A Sin, cán bộ kỹ thuật xã Phương Phú, cho biết: “Mô hình này chủ yếu là trồng cỏ để làm nguồn nguyên liệu thức ăn để nuôi bò thịt cao sản. Sau đó sử dụng lượng phân bò nuôi trùn quế. Lượng phân trùn quế sẽ bón cho cây ăn trái và cỏ. Riêng trùn thịt sẽ làm thức ăn nuôi cá thát lát và hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp. Do sản xuất theo quy trình khép kín nên giá trị kinh tế rất cao so với những mô hình làm theo kiểu truyền thống”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tính đến nay nông dân trong huyện đã xây dựng được gần 200 mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tuần hoàn một phần và sản xuất kết hợp theo hướng VAC, VAC kết hợp hay trang trại khép kín. Tất cả đều hoạt động theo phương thức phế phẩm của mô hình này quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho mô hình khác. Vừa bổ trợ cho nhau, vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và giảm thiểu được chi phí đầu tư, góp phần nâng cao thu nhập. Đặc biệt năm 2023, thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030 huyện Phụng Hiệp sẽ hỗ trợ cho nông dân 50% chi phí để xây dựng 9 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao kết hợp với tuần hoàn khép kín trên các lĩnh vực sản xuất như: sản xuất nấm rơm trong nhà kết hợp nuôi trùn quế, nuôi bò và thủy sản; nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, nuôi thủy sản và nuôi lươn; mô hình nuôi heo kết hợp biogas và nuôi thủy sản… Mô hình góp phần bổ trợ cho nhau nâng cao hiệu quả kinh tế từ 50-100 triệu đồng/mô hình.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc HTX Mekong Ngũ Thường, ở xã Tân Bình, cho biết: “Hiện nay, nông trại đã phát triển được 6 lĩnh vực gồm điện năng lượng mặt trời, trồng nấm, nuôi trùn quế, nuôi cá, nuôi gà, vịt, nuôi bò. Tất cả đều có sự bổ trợ cho nhau, góp phần tạo sản phẩm chất lượng với giá thành thấp cho người tiêu dùng”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp cũng tổ chức tuyên truyền để người dân từng bước thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín. Để từ đó các hộ sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tùy vào quy mô và điều kiện phát triển, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ cho nông dân nâng chất những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp lên sản xuất theo hướng tuần hoàn hoặc tuần hoàn một phần. Bởi đây là cách làm đã được chứng minh là có hiệu quả vừa kết hợp giữa yếu tố truyền thống và các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng với giá thành thấp và ít rủi ro cho môi trường.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại. Nó khai thác tối đa diện tích và không gian, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất và chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Vừa giảm được giá thành sản xuất nhưng quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường và đặc biệt là có thể phát triển ổn định trong những điều kiện tác động xấu từ bên ngoài như dịch bệnh.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất đa canh kết hợp (VAC, VACB, VACBR...), bên cạnh đó còn thực hiện nhiều mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Các mô hình này đã khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trên đệm lót sinh học nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa diện tích đất trong nông hộ để sản xuất đa canh kết hợp các đối tượng cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và giá cả thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất và tăng thu nhập cho từng nông hộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng: Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế mà chúng ta phải thực hiện. Cục Kinh tế hợp tác trực thuộc Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng đề án để làm sao tận dụng tối đa đầu ra của chuỗi ngành hàng khác lại là đầu vào của một ngành hàng kia. Như từ góc độ chăn nuôi, trồng trọt cũng có sự phối hợp và đưa ra một quy trình kinh tế tuần hoàn cho toàn bộ các khâu. Chẳng hạn trong chăn nuôi bò thì đầu ra từ phân bò được chúng ta đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào như đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học để tạo ra phân hữu cơ để quay ngược lại phục vụ sản xuất của ngành trồng trọt (trồng bắp, trồng cỏ...) và sản phẩm trồng trọt này sẽ quay trở lại phục vụ cho thức ăn chăn nuôi. Riêng về quy trình trong từng ngành hàng phải liên kết với nhau để tận dụng tối đa quy trình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng giá trị của ngành hàng, góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng trọt, chăn nuôi.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>